Hội nông dân tỉnh:

Chú trọng trang bị kiến thức pháp luật cho hội viên

Thứ tư, ngày 04/01/2017

(BDO) Thực hiện Tiểu đề án 03 về việc “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở nông thôn” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn toàn tỉnh, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của người nông dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Hàng năm, căn cứ chương trình công tác của hội và kế hoạch của Ban chỉ đạo Đề án tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về thực hiện Đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, Ban điều hành tiểu đề án tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh hội xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Tiểu Đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn”. Đề án này nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật của người nông dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật ở nông thôn; đồng thời giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tự tin tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện.

Phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một ra mắt CLB “Nông dân với pháp luật” . Đây là một mô hình mới, thời gian qua đã phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến với người dân 

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội nhằm tập huấn, trang bị những kỹ năng cơ bản cho cán bộ hội trong công tác tuyên truyền pháp luật, tham gia hòa giải, tham gia tiếp công dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo để chủ động thực hiện tốt Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 9-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nội dung của Tiểu Đề án 3 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, chương trình hỏi - đáp pháp luật được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương. Thông qua các hội thi Nông dân với pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa theo từng chủ đề. Đặc biệt, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý lưu động tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân tại 87 cơ sở hội trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Tỉnh hội cũng đã xây dựng mô hình điểm thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở các huyện thị, thành hội. Mỗi huyện, thị chọn 1 cơ sở hoạt động thí điểm. Thời gian qua mô hình này đã mang lại một số hiệu quả đáng ghi nhận.

Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Để thực hiện tiểu đề án có hiệu quả, mỗi năm Tỉnh hội tổ chức 2 đợt kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Tiểu Đề án 03 ở cơ sở. Qua quá trình kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện các mặt ưu, khuyết điểm để kịp thời động viên, khuyến khích, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; đồng thời, chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả để rút kinh nghiệm và định hướng thực hiện tốt hơn”. 

Qua 4 năm triển khai thực hiện Tiểu Đề án 03, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chức năng đã tham gia đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được hơn 2.000 vụ, giải quyết được 1.979 vụ, chuyển cấp thẩm quyền 584 vụ; phối hợp cùng Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai các xã, phường, tổ hòa giải khu, ấp… tham gia hòa giải hơn 5.000 vụ, trong đó hòa giải thành gần 4.000 vụ (đạt 76%) tranh chấp, mâu thuẫn ở địa phương; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến nông dân được hơn 6.000 cuộc với hơn 300.000 lượt người tham dự; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý lưu động tổ chức 864 cuộc trợ giúp pháp lý, có hơn 28.000 lượt người dự, có gần 5.000 trường hợp được tư vấn.

Hiệu quả đáng mừng

Qua 4 năm triển khai thực hiện đề án, công tác tuyên truyền PBGDPL, tư vấn và trợ giúp pháp lý đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về pháp luật, giảm bớt khiếu kiện, mâu thuẫn nội bộ. Cụ thể, năm 2014 giảm 644 vụ so với năm 2013; năm 2015 hòa giải thành 961/1.227 vụ và 6 tháng đầu năm 2016 hòa giải thành 228/294 vụ. Qua những vụ hòa giải thành đã góp phần xây dựng tình đoàn kết ở khu dân cư, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở nông thôn.

Các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động đã được đông đảo cán bộ, hội viên Hội Nông dân và nhân dân địa phương đánh giá cao, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ; giúp nông dân và người dân địa phương hiểu và nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cách xử sự đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, góp phần đáng kể vào việc ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Ngoài ra, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” cũng là nơi giao lưu, tháo gỡ những vướng mắc của người nông dân tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thủ Dầu Một, cho biết đến nay, Thành hội đã thành lập được 4 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở các phường Chánh Mỹ, Hiệp An, Phú Thọ và Phú Mỹ. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Hội đồng hòa giải các phường tham gia hòa giải được 77 trường hợp. Trong đó, hòa giải thành 32 đơn, không thành 20 đơn, xác minh 23 đơn và vận động rút 2 đơn. Nội dung hòa giải chủ yếu tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh giới đất, xây dựng lấn chiếm hàng rào, thừa kế, nợ… “Mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” hoạt động mang lại hiệu quả cao, chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này”, ông Lợi cho biết.

Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn gặp những khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải của các cấp hội ở cơ sở thường xuyên thay đổi nên còn hạn chế về trình độ, kỹ năng, nhất là trình độ pháp luật chưa đồng đều, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tình hình biến động về đất đai, giá cả đền bù, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trường hợp chưa hợp lý, hoặc do bị một số đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo khiếu kiện, tranh chấp làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở nông thôn hiện nay.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đã đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị hóa nông nghiệp nông thôn. Việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu thông tin chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động và người nông dân là hết sức cần thiết. Do vậy, tăng cường công tác tuyên truyền phổ, biến giáo dục pháp luật cho nông dân để nâng cao nhận thức pháp luật sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hiện nay là vấn đề cần được quan tâm thường xuyên.

THU HƯỜNG