Chú trọng thị trường 2,5 triệu dân…
(BDO) Thời gian qua, trái cây có múi Bắc Tân Uyên đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Việc người sản xuất địa phương nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… cộng với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản đã tạo dựng niềm tin vững chắc đối với khách hàng…
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xảy ra là cam, bưởi Bắc Tân Uyên hiện vẫn chưa phổ biến tại các chợ, sạp bán hàng ngay tại Bình Dương. Người tiêu dùng biết đến sản phẩm trái cây này phần nhiều qua các kênh bán hàng online, hoặc cá nhân biếu tặng… Đơn cử, những sản phẩm hữu cơ của HTX Nhân Đức, bưởi HTX Phương Uyên… lại rất hiếm trên thị trường truyền thống, siêu thị. Đi tìm nguyên nhân của vấn đề “lạ mà có thật” này chúng tôi phần lớn nhận được câu trả lời là do hàng chất lượng nên giá cao… khó để phát triển tại thị trường địa phương; khó cạnh tranh giá cả với sản phẩm của các vùng lân cận. Cách lý giải này nghe ra vẫn chưa thuyết phục khi mà tại các hội chợ nông sản địa phương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trong 2 năm gần đây, sản phẩm trái cây có múi Bắc Tân Uyên lại rất hút hàng, đắt khách…
Với dân số khoảng 2,5 triệu người, Bình Dương hiện là thị trường lớn của các mặt hàng nông sản những tỉnh thành lân cận, trong đó có trái cây có múi… Tại chợ đầu mối hàng bông, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở nông sản từ các địa phương khác đổ về. Trong khi đó người tiêu dùng phần lớn mong mỏi thực phẩm có chất lượng, an toàn của địa phương. Và khi mức sống của người dân càng cao thì càng có yêu cầu về chất lượng của sản phẩm. Đây phải chăng là lỗ hổng đáng tiếc về thị trường cho trái cây có múi Bắc Tân Uyên. Nếu tính toán kỹ, việc vận chuyển nông sản đi xa sẽ tiêu tốn phí vận chuyển, kho bãi, hao hụt, đẩy giá nông sản lên cao sẽ khiến giảm tính cạnh tranh. Và việc đẩy mạnh tiêu thụ tại địa phương sẽ là bài toán hóa giải để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm… Và thực tế này đòi hỏi địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất cần tính toán lại, nhất là trong xu thế hội nhập phát triển, các sản phẩm nông sản trong và ngoài nước phải cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng.
Hiện nay, diện tích cây có múi tại Bắc Tân Uyên liên tục phát triển. Yếu tố đầu ra đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ở các địa phương. Câu chuyện “được mùa mất giá” đối với hàng nông sản không còn xa lạ với người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Để giải bài toán “được mùa mất giá” thì việc tìm thị trường tiêu thụ ngay trên chính “sân nhà” sẽ là giải pháp căn cơ nhất.
TIỂU MY