Chú trọng phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Thứ bảy, ngày 24/04/2021

(BDO) Thời gian qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo, triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quý I-2021 tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Trong quý I-2021, toàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ cháy nhỏ liên quan đến nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh, các cơ sở phế liệu xen kẽ trong khu dân cư… Thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh cho thấy có hơn 27.000 cơ sở thuộc Phụ lục IV, Nghị định 136/2000/NĐ-CP ngày 24- 11-2020 do UBND cấp xã quản lý; trong đó có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2.

Trên thực tế, kiến thức PCCC của các chủ hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh còn rất hạn chế. Nhiều chủ hộ rất lơ là, chủ quan, tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”. Thống kê cho thấy tình hình cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm. Phần lớn các vụ cháy xảy ra do sự cố về điện.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an tỉnh, cho biết: “Mặc dù trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC&CNCH nói chung, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh nói riêng đã tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH; kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tuy nhiên vẫn còn tình trạng chủ các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa chủ động thực hiện trách nhiệm về công tác PCCC&CNCH, họ xem công tác này là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, các chủ hộ không quan tâm thực hiện các điều kiện an toàn PCCC&CNCH. Không tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH; sắp xếp, bố trí hàng hóa, vật dụng gia đình sát các thiết bị, dây dẫn điện, lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, không có phương án thoát nạn, chữa cháy... Đặc biệt là việc sử dụng hệ thống điện còn rất chủ quan. Trong quá trình hoạt động tự ý câu mắc nhiều thiết bị điện mà không tính toán thay thế dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ...”.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước “bà hỏa” để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

TÂM TRANG