Chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo
(BDO) Với tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo (NLTT), Bình Dương đã nỗ lực phát triển nguồn năng lượng này, đáp ứng nhu cầu điện tăng cao, tạo ra lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Bình Dương vừa tổ chức hội thảo về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn
Đáp ứng nhu cầu
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao, từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, hiện là than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn để bảo đảm nguồn cung điện.
Tại Bình Dương hiện nay, nguồn điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất lên đến hơn 70% tổng năng lượng tiêu thụ của cả tỉnh. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, việc cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức. Do vậy, chiến lược từng bước đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có điện mặt trời, được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.
Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng năng lượng mặt trời được đánh giá là tốt so với trung bình cả nước. Số giờ nắng trong năm trên địa bàn tỉnh từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình vào khoảng 4,5 kWh/m2/ ngày. Theo đánh giá Sở Công thương, năng lượng điện mặt trời có tiềm năng rất lớn ở Bình Dương, đặc biệt là trong khu vực đô thị với cơ sở hạ tầng hiện có. Cùng với tiến trình xây dựng thành phố thông minh, điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay, nếu đánh giá về mức độ gây ô nhiễm môi trường, những tiện ích mà nó mang lại, cũng như yêu cầu về phát triển bền vững tại Bình Dương.
Thu hút đầu tư
Cùng với những chính sách của Chính phủ, thời gian qua lãnh đạo tỉnh cũng đã khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu các dự án điện mặt trời, trên cơ sở bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị tại địa phương.
Theo Sở Công thương, không phải không có những thách thức đặt ra cho việc phát triển nguồn năng lượng này. Đối với những dự án lớn (vài trăm MWp), ngoài vấn đề tìm kiếm được nhà đầu tư có năng lực, vấn đề khó khăn nhất chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn. Nguồn bức xạ mặt trời thường biến đổi liên tục trong ngày do thời tiết thay đổi đột ngột (mây, mưa, bụi...), dẫn đến công suất phát điện của hệ thống biến đổi theo, gây khó khăn cho việc điều độ, vận hành toàn bộ hệ thống điện.
Sự phát triển nhanh chóng của NLTT thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế. Đơn cử như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến quy mô nối lưới ở một số địa phương đã không giải tỏa hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định. Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính. Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về chất lượng, an toàn. Gần đây phát sinh thêm thủ tục cấp phép của ngành xây dựng… đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện; hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là những cơ chế, chính sách sắp tới như cơ chế giá mua bán điện, xã hội hóa lưới điện truyền tải, đấu thầu dự án đối với dự án nối lưới; sửa đổi quy định hạn chế về số MW điện mặt trời mái nhà cho phù hợp. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền lợi ích, tổ chức các hội thảo chuyên đề về điện mặt trời. Bên cạnh đó, sở sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt đất, điện mặt trời nổi, đặc biệt là các dự án điện mặt trời trên mái nhà trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư năng lượng mặt trời phải đáp ứng 3 yêu cầu Yêu cầu về kỹ thuật: Thiết bị chính của dự án mặt trời nối lưới phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế (IEC) hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Chất lượng điện của dự án điện mặt trời nối lưới phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về điện áp, tần số và các yêu cầu về vận hành hệ thống điện quốc gia theo quy định hiện hành. Yêu cầu về xây dựng: Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn điện, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Yêu cầu về ưu đãi: Dự án điện mặt trời được xác định là dự án được ưu đãi trong đầu tư; cụ thể các mức ưu đãi về thuế, sử dụng đất và sử dụng mặt nước đối với dự án điện mặt trời nối lưới thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. |
TIỂU MY