Chú trọng phát triển Giáo dục Mầm non ở khu công nghiệp

Thứ hai, ngày 04/12/2023

(BDO) Thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với giáo dục mầm non (GDMN) ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN). Dù gặp áp lực lớn từ quá trình tăng dân số cơ học lên hệ thống giáo dục, song Bình Dương vẫn được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt việc xã hội giáo dục mầm non ở địa bàn KCN - CCN từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.


Không gian sạch đẹp của các trường mầm non giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong ảnh, một tiết học của cô và trò trường Mầm non Thuận Giao 

Từng bước đáp ứng nhu cầu 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 41 KCN – CCN được phân bổ dàn trải trên 9 huyện thị, thành phố. Những năm gần đây, các KCN-CCN ở Bình Dương ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các KCN-CCN cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt là vấn đề phát triển GDMN nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của lao động ngoài tỉnh. 

Thời gian qua, các địa phương thực hiện khá mạnh mẽ và quyết liệt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trường mầm non theo hướng hiện đại, chuẩn hóa đã làm cho GDMN của tỉnh thêm khởi sắc, nhiều động lực để tiếp tục phát triển đúng hướng và bền vững. Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho GDMN; mạng lưới GDMN ngoài công lập phát triển nhanh, mạnh, góp phần giảm áp lực, giảm tải cho các trường mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc cha mẹ, giúp họ an tâm làm việc, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Là một trong những trường mầm non tư thục được đầu tư xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, trường Mầm non Thuận Giao (phường Thuận Giao, TP.Thuận An) đã đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ của người dân. 

Cô Đỗ Thị Ánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh là công nhân rất cao bởi số trẻ mẫu giáo tăng nhanh và biến động hàng năm. “Hiện trường có 13 lớp với 346 trẻ và 20 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Với mục tiêu xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhà trường đã nỗ lực xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học, tạo các góc chơi, góc hoạt động, xây dựng góc khám phá khoa học… tạo hứng thú cho trẻ”, cô Ánh cho biết thêm.

Là công nhân tại KCN VSIP 2, chị Phạm Thị Hạnh ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An cho biết, gần nhà chị cũng có trường mầm non công lập nhưng thời gian trông giữ trẻ của các trường mầm non công lập thường không phù hợp với thời gian làm việc của công nhân như chúng tôi. “Chúng tôi thường xuyên tăng ca và làm cả thứ 7 nên việc lựa chọn trường tư có tăng ca, giữ thứ 7 và không nghỉ hè là lựa chọn phù hợp với chúng tôi mặc dù tiền gửi hàng tháng cao hơn nhiều so với trường công lập”, chị Hạnh bộc bạch.


Hệ thống trường mầm non trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động

Ưu tiên đầu tư cho GDMN

Để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN, thời gian qua Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GDMN, đặc biệt là các trường, lớp mầm non trong KCN, như: Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở địa bàn có KCN - CCN; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN-CCN; chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN…

HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 09 về việc hỗ trợ phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở GDMN độc lập có dưới 35 trẻ em; hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở GDMN độc lập có từ 35-70 trẻ em ở địa bàn có KCN - CCN… Tỉnh cũng trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN, CCN là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục với mức 800.000 đồng/người/tháng…

Việc xây dựng cơ sở GDMN trong KCN-CCN được tỉnh quan tâm, hỗ trợ, thông thoáng về chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non. Một số chủ đầu tư có nhiều cố gắng tích cực trong trang bị, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của chương trình GDMN và nhu cầu gửi con của cha mẹ trẻ.

Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở KCN còn gặp không ít vướng mắc. Có doanh nghiệp mong muốn xây dựng nhà trẻ tại doanh nghiệp nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Hoặc liên quan đến quỹ đất, có doanh nghiệp gặp khó về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất xây nhà xưởng sang đất xây trường. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa thể khắc phục được, đặc biệt đội ngũ giáo viên của các cơ sở GDMN tư thục, định biên giáo viên/nhóm-lớp vẫn chưa đảm bảo quy định…

Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, phát triển GDMN trong các KCN-CCN được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút lao động, tạo điều kiện cho công nhân, lao động trong các KCN yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Để phát triển GDMN trong các KCN-CCN, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp thực tiễn, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc đưa trẻ đến trường của công nhân, lao động.

Năm học 2023-2024 toàn tỉnh có 438 trường mầm non, trường mẫu giáo (trong đó có 118 trường công lập, 320 trường tư thục), 657 cơ sở GDMN độc lập tư thục. Tổng số trẻ: 115.721 trẻ/4.788 nhóm, lớp. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố, lầu hóa cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Trong năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường đạt 99,9%; 91/91 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.

TUỆ NHI - KHẮC THỊNH