Chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại - dịch vụ

Thứ hai, ngày 10/02/2020

(BDO)  Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh là phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại; hình thành thêm các khu thương mại, siêu thị mới; xây dựng các chợ tập trung tại các xã, phường, thị trấn. Đây cũng là tiền đề để tỉnh nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.

 Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thc hin nhim v ngay t đầu năm

Nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch thu hút đầu tư, thương mại - dịch vụ trong năm 2020, tỉnh đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm để kịp thời triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Theo đó, tỉnh tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình, dự án điện, trung tâm logistics, cảng thủy hàng hóa nội địa; thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, một số ngành dịch vụ chất lượng cao như trung tâm logistics, trung tâm thương mại...

 Theo thông tin từ UBND tỉnh, trong nửa tháng 1-2020 toàn tỉnh thu hút 2.280 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, 133 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Như vậy, tính đến nay toàn tỉnh có 42.269 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 357.680 tỷ đồng, 3.753 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 34,23 tỷ USD.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết năm 2020 địa phương tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ - giải trí như siêu thị, cửa hàng tự chọn, khu thể thao... Tỉnh đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư lớn về thương mại - dịch vụ triển khai đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa thương mại - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư trong giai đoạn mới. Ông cho rằng với việc Trung tâm thương mại Thành phố mới Bình Dương được Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA) công nhận thành viên chính thức mở ra cho tỉnh cơ hội kết nối quốc tế, giao lưu thương mại - dịch vụ và trao đổi, chuyển giao công nghệ. Đây là phương thức mở và hội tụ nhằm phát huy nội lực và thu hút ngoại lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà hiệu quả.

To nn tng vng chc

Theo ông Đặng Quang Việt, Giám đốc Công ty Cơ điện Việt - Nhật (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát), ông chọn Bình Dương để đầu tư nhà máy 100 triệu USD vì nơi đây có đủ điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể, cơ sở hạ tầng, thương mại - dịch vụ của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nghề cơ điện. Bên cạnh đó, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hệ thống vận tải hàng hóa, các dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn phát triển, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, công ty dễ dàng kết nối với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà đối tác yêu cầu.

Dưới góc nhìn chuyên gia, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm những trục đường vành đai của TP.Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, tỉnh phát triển công nghiệp rất nhanh và dịch vụ có tiềm năng phát triển. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng để thu hút và từng bước nâng cao dịch vụ là điều tất yếu; trong đó Thành phố mới Bình Dương là nơi đột phá để nâng cao giá trị dịch vụ. Ông kỳ vọng trong tương lai gần, tuyến metro Thành phố mới Bình Dương được triển khai, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.

Góp sức cùng địa phương phát triển, Tổng Công ty Becamex IDC đưa ra kế hoạch phát triển logistics hiện đại. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tổng công ty, khẳng định việc phát triển hệ thống đường bộ gắn liền với phát triển đường sắt, đường thủy để nối liền các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay quốc tế là thuận lợi nhất.

Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ (KHCN) để tập trung các doanh nghiệp KHCN, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bán dẫn để hỗ trợ cho việc xây dựng thành phố thông minh. Cùng với đó, tỉnh đã và đang nỗ lực phát triển giao thông theo hướng vận tải đa phương thức, xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống cảng sông, kết hợp giao thông đường bộ với đường sắt...

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

 TIỂU MY