Chú trọng nâng cao chất lượng kinh tế tập thể

Thứ hai, ngày 25/07/2022

(BDO) Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/ TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, được sự quan tâm của tỉnh, kinh tế tập thể (KTTT) của địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Song, hoạt động của loại hình kinh tế này vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ để phát triển cả về chất và lượng.

 Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX. Trong ảnh: HTX Bưởi Bạch Đằng thành công trong việc áp dụng kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm để tăng lợi nhuận

 Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật

Từ những HTX với quy mô nhỏ, ít vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, với việc thi hành đề án phát triển KTTT, đổi mới, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX hiện hành, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng. Các HTX đã áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh (SXKD), tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều.

HTX Nhân Đức (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) được xem là một trong những HTX phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhờ áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt lẫn chăn nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX chú trọng áp dụng trồng cây ăn trái có múi hữu cơ để cho ra sản phẩm chất lượng cao, trung bình đạt 25 tấn/ha, cho doanh thu 24 tỷ đồng/năm. Trên diện tích vài chục ha cây ăn trái có múi chỉ có hơn 40 lao động làm việc, nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã giảm thiểu tối đa sức người, sức của. Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức chia sẻ HTX đã xây dựng và thiết kế kéo nối hệ thống đường dây 220kV dài 3km đến tận khu vực phục vụ sản xuất với tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Lắp đặt, sử dụng điện mặt trời xây dựng hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động, tiết kiệm được chi phí. Trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX đã xây dựng hệ thống chăn nuôi theo công nghệ hiện đại gồm có 3 trại gà lạnh. Trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 1 triệu con gà, doanh thu 10 tỷ đồng/năm. Đối với chăn nuôi bò, HTX thực hiện các nội dung về an toàn sinh học từ việc xây dựng hệ thống chuồng trại, chọn con giống, tiêm vắc xin... Nhờ đó, cho hiệu quả cao, doanh thu 15 tỷ đồng/năm.

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong SXKD là xu hướng tất yếu. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô, diện tích trồng trọt, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho thành viên. Điển hình, như HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) đã được đầu tư kinh phí vào hệ thống tưới tự động, phân bón, máy tính. 2 HTX này đã tham gia “Đề án hỗ trợ xây dựng HTX SXKD gắn với chuỗi giá trị” do Liên minh HTX Việt Nam thực hiện với số tiền hơn 444 triệu đồng, bước đầu giảm chi phí đầu từ 18 - 22%.

Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương, cho biết từ yêu cầu thực tiễn của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp phát triển KTTT, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ cùng Liên minh HTX tỉnh Bình Dương thống nhất ký kết, triển khai thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ cán bộ, thành viên của các tổ chức KTTT, HTX phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, chuyển đổi số, môi trường, giao thông - vận tải…

Tạo đà phát triển

Theo Liên minh HTX tỉnh, việc hoạt động theo Luật HTX 2012 đã giúp các HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân. Đồng thời, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường.

Được phát triển lên từ tổ hợp tác trồng bưởi, HTX Bưởi Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) là điển hình về áp dụng kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái vào đúng thời điểm, góp phần tăng giá trị kinh tế sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX chủ yếu trồng bưởi đường lá cam và bưởi da xanh, được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Bên cạnh đó, từ nguyên liệu bưởi, HTX còn sản xuất tinh dầu bưởi, rượu bưởi, chè bưởi và phát triển thêm dịch vụ và du lịch sinh thái...”.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực HTX đạt từ 10 - 15% năm trở lên, có đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh. Thu nhập bình quân trong khu vực HTX tăng từ 15 - 20%. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung khuyến khích phát triển KTTT với các ngành nghề, lĩnh vực trong phạm vi toàn tỉnh cùng các hình thức mở rộng quy mô thành viên, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ SXKD. Sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích thành viên... Bên cạnh nguồn lực nội tại của các HTX, các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh xác định việc phát triển KTTT, HTX cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo động lực để mô hình này phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài, cụ thể cho người lao động.

 Toàn tỉnh hiện có 217 HTX với gần 47.000 thành viên, vốn điều lệ hơn 788 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021- 2030, tỉnh phấn đấu số HTX làm ăn khá giỏi đạt 60%, không còn HTX yếu kém. Xây dựng đạt 30% mô hình HTX vững mạnh toàn diện hoặc điển hình tiên tiến, chú trọng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 TIẾN HẠNH