Chú trọng công tác phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở

Thứ bảy, ngày 09/01/2021

(BDO)  Thời gian qua liên tiếp có những vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh và cả nước đã làm thiệt hại lớn về vật chất cũng như tính mạng con người. Để nâng cao ý thức về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cũng như làm giảm những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tuyên truyền, tổ chức diễn tập góp phần nâng cao ý thức về PCCC tại cơ sở.

 

Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

 Chủ động phòng ngừa

Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (VSIP 1), chuyên sản xuất những mặt hàng may mặc xuất khẩu, do đặc điểm sản xuất có những nguyên liệu dễ cháy nên hàng năm doanh nghiệp đều tổ chức những buổi diễn tập PCCC và thoát hiểm cho cán bộ, nhân viên và công nhân lao động (CNLĐ) với khẩu hiệu “Diễn tập thường xuyên, thao tác nhuần nhuyễn và ngăn ngừa sự cố”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Thương, Phó Giám đốc bộ phận xưởng vụ Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, cho biết: “Định kỳ hàng năm công ty phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ có sự phối hợp của nhiều lực lượng. Những lần diễn tập đều có tình huống giả định cụ thể bằng kịch bản nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ DN, CNLĐ trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ”.

Tại Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn II - Nhà máy Pungkook Sài Gòn III, do đặc điểm sản xuất có những nguyên liệu dễ cháy nên hàng năm công ty đều tổ chức những buổi diễn tập PCCC và thoát hiểm cho cán bộ, nhân viên và CNLĐ. Không chỉ vậy, công ty còn rất chú trọng xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ. Hiện đội PCCC cơ sở gồm có 38 thành viên.

Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc trách nhiệm xã hội và an toàn vệ sinh môi trường của công ty cho biết định kỳ hàng năm công ty đều mời lực lượng Cảnh sát PCCC số 2 - Đội PCCC Thuận An đến huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên trong đội PCCC cơ sở của công ty các kỹ năng, như: Thực tập sử dụng vòi chữa cháy; thao tác bình chữa cháy; kiểm tra bảo dưỡng trang thiết bị PCCC; kỹ năng hướng dẫn thoát hiểm cho công nhân viên. Trang thiết bị PCCC thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng bảo đảm hệ thống PCCC luôn luôn trong tình trạng hoạt động tốt nhất...

“Đặc trưng ngành nghề sản xuất của công ty với nguyên phụ liệu và sản phẩm là những vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy nên việc thường xuyên tổ chức diễn tập có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao ý thức PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cán bộ, nhân viên, CNLĐ, giúp nâng cao khả năng đối phó khi có tình huống cháy thật xảy ra. Đồng thời đây cũng là dịp để đánh giá hoạt động PCCC về những mặt được và chưa được để nhắc nhở mọi người thực hiện tốt hơn”, bà Hoa chia sẻ.

Giảm thiểu thiệt hại

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Nguy cơ cháy, nổ còn tiềm ẩn ở các cơ sở trọng điểm về PCCC, nhất là ở các chợ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, dệt, may. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất, mua bán phế liệu trong khu dân cư. Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy. Trong đó cháy trong khu công nghiệp 5 vụ (chiếm 20%), ngoài khu công nghiệp 16 vụ, (chiếm 80%). Rất may không có thiệt hại về người, chỉ có 1 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 22,3 tỷ đồng.

So với năm 2019, tình hình cháy giảm 6 vụ; thiệt hại về tài sản giảm 52,415 tỷ đồng (22,3/74,715 tỷ đồng). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 172 vụ cháy nhỏ thiệt hại không đáng kể tại cơ sở, nhà dân, cháy cỏ, rác, phế liệu, tủ điện ở các trụ điện. Trong đó có khoảng 65% số vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân dập tắt kịp thời.

Trước tình hình đó, để kéo giảm nguy cơ cháy tại địa phương, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh xác định cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, kết hợp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. Trong đó lấy xây dựng phong trào toàn dân PCCC và duy trì, xây dựng mới các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC làm mục tiêu phấn đấu.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, khuyến cáo đã vào mùa khô nắng nóng, do đó nhu cầu sử dụng điện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân tăng cao nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân cần lưu ý không tự ý câu, mắc các thiết bị điện phát sinh; khi không sử dụng thì ngắt các thiết bị điện khỏi nguồn điện để bảo đảm an toàn; khi sử dụng các nguồn nhiệt khác như hàn, cắt kim loại… phải được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Việc sắp xếp hàng hóa bảo đảm đúng nguyên tắc an toàn về phòng chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị, phương tiện chữa cháy; đồng thời có phương án diễn tập để chủ động, ngăn ngừa và xử lý hiệu quả khi có tình huống cháy xảy ra. Đặc biệt, đối với các cơ sở trọng điểm về an ninh trật tự và cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, phải xây dựng và thực tập phương án chữa cháy không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

 “Vào mùa khô nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân tăng cao nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân cần lưu ý không tự ý câu, mắc các thiết bị điện phát sinh; khi không sử dụng thì ngắt các thiết bị điện khỏi nguồn điện để bảo đảm an toàn; khi sử dụng các nguồn nhiệt khác như hàn, cắt kim loại… phải được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Việc sắp xếp hàng hóa bảo đảm đúng nguyên tắc an toàn về phòng chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị, phương tiện chữa cháy; đồng thời có phương án diễn tập để chủ động, ngăn ngừa và xử lý hiệu quả khi có tình huống cháy xảy ra”.

(Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh)

 TỪ TÂM