Chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở
(BDO) Hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là bước đệm đầu tiên trong quá trình giải quyết vụ việc có liên quan đến khiếu nại, tranh chấp. Bước đầu tiên này nhằm xoa dịu mâu thuẫn, tháo gỡ mọi vướng mắc, góp phần hàn gắn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, ổn định an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác này.
Hàn gắn tình làng xóm
Có thể nói những người hòa giải viên ở các xã, các ấp có vai trò rất quan trọng, là cánh tay đắc lực giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết các vụ khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó, hòa giải ở cơ sở làm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó tình cảm giữa bà con lối xóm cũng như giữ vững ANTT ở khu dân cư.
Trong thời gian qua, tổng số vụ việc các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã tiếp nhận được 252 vụ việc, đơn yêu cầu hòa giải. Lĩnh vực hòa giải chủ yếu là các tranh chấp dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất đai; kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường và những vụ việc khác thuộc phạm vi hòa giải cơ sở.
Kết quả: Đưa ra hòa giải 252/252 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, số vụ việc hòa giải thành 218/252 vụ việc, chiếm tỷ lệ 86,5%. Hòa giải không thành 34 đơn, đã hướng dẫn đương sự liên hệ cơ quan có thẩm quyền được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bà Lê Thị Dịu, một hòa giải viên của ấp 1, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “Toàn ấp có khoảng 300 hộ dân sinh sống, đa phần cuộc sống của bà con chủ yếu làm công nhân cao su, làm nương rẫy, buôn bán. Việc hòa giải các vụ việc ở đây tuy không thuận lợi nhưng nhờ có sự trợ giúp của cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã nên Tổ hòa giải của ấp hầu hết đều hòa giải thành công. Số đơn thư khiếu nại ở ấp này đa phần là tranh chấp đất đai và mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ gia đình. Mấy năm gần đây, số lượng đơn thư, khiếu nại gửi về ấp đã giảm hẳn, đặc biệt trong năm 2016 chỉ có 1 đơn thư khiếu nại và được hòa giải thành”.
Theo bà Dịu, mỗi hòa giải viên ngoài kiến thức pháp luật đã được bồi dưỡng, họ phải có lòng nhiệt tình, có kỹ năng thuyết phục đôi bên bằng tình cảm xóm làng thì những người trong cuộc mới lắng nghe và tin tưởng. “Sau mỗi một vụ việc được hòa giải thành, thấy bà con lối xóm ra đường gặp nhau niềm nở thân tình, chúng tôi vui lắm, hạnh phúc lắm. Ngược lại, có những vụ việc hòa giải không thành, lúc đó bản thân mình thấy buồn, căng thẳng và thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm”, bà Dịu tâm sự.
Hòa giải viên ấp 1, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên phối hợp với cán bộ tư pháp huyện đang thảo luận đơn thư của một trường hợp sắp đưa ra hòa giải Ảnh: THU HƯỜNG
Bà Huỳnh Thị Tuyết Điệp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Thành, cho biết các hòa giải viên ở các ấp nhiệt tình, làm việc hết trách nhiệm, có người có thâm niên hơn chục năm tham gia công tác hòa giải nên kỹ năng càng tốt, chính vì vậy công việc của cán bộ tư pháp xã mấy năm trở lại đây đã được gọn nhẹ phần nào, chỉ có những vụ việc khó hòa giải thì mới đưa lên xã giải quyết.
Nhiều cách làm hay
Nhìn chung, qua 3 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã thể hiện rõ sự tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và có hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực. Chất lượng hòa giải được “chuyên nghiệp” hơn, số lượng hòa giải thành công ngày càng được tăng lên, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.
Ông Lê Hoài Khánh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: Qua quá trình tổ chức thực hiện, chính quyền và nhân dân huyện đã nhân rộng một số cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải. Cụ thể: Định kỳ 6 tháng và 1 năm, cán bộ tư pháp phối hợp cùng Trưởng ban công tác Mặt trận các ấp rà soát, đánh giá chất lượng của hòa giải viên để tham mưu UBND củng cố kịp thời. Bên cạnh đó, UBND các xã tổ chức hướng dẫn kỹ năng vận động hòa giải, trang bị kiến thức pháp luật và nghiệp vụ ghi biên bản, theo dõi kết quả hòa giải. Đối với các vụ việc hòa giải phức tạp, Tổ hòa giải kịp thời tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn, thu thập chứng cứ, căn cứ pháp lý, sau đó tổ trưởng tổ hòa giải họp tổ viên lấy ý kiến chung, phân tích nội dung, phân công từng thành viên phụ trách từng nội dung cụ thể của yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trước khi tiến hành hòa giải, Tổ hòa giải trao đổi riêng với các bên tranh chấp để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các bên, để từ đó phân tích các quy định của pháp luật có liên quan cho các bên biết và vận động các bên thỏa thuận đi đến thống nhất tại buổi hòa giải.
Theo ông Khánh, trên thực tế có nhiều trường hợp sau khi hòa giải thành, một trong các bên không thực hiện, vụ việc phải chuyển về cấp trên để tiếp tục giải quyết. Mặt khác, đội ngũ hòa giải viên còn kiêm nhiệm, chưa có tính chuyên sâu nên vẫn chưa đạt kết quả cao. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân dưới nhiều hình thức, chính quyền và nhân dân cũng cần phải nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của công tác hòa giải, từ đó có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.
THU HƯỜNG