Chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy:
Chú trọng công tác hỗ trợ sau cai nghiện
(BDO)
Sau thời gian cai nghiện, những người từng lầm lỗi cần lắm sự giúp đỡ, động viên của gia đình và cộng đồng địa phương. Công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện vì thế cũng cần phải được quan tâm, chú trọng.
Chú trọng công tác tuyên truyền sẽ giúp kéo giảm tệ nạn ma túy trong giới trẻ.
Ảnh: X.THI
Mặc cảm sau cai nghiện
Theo nhận định từ phía lãnh đạo Công an tỉnh, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy của Bình Dương so với tình hình tội phạm của cả nước và một số tỉnh, thành lân cận không lớn nhưng lại khá phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.800 người nghiện. Được biết, ngoài xã Tam Lập, huyện Phú Giáo thì hầu hết 90 xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh đều có đối tượng nghiện. Khi tính chất tinh vi, xảo quyệt của tội phạm ma túy càng tăng thì tỷ lệ con nghiện ngày càng nhiều. Ma túy len lỏi vào mọi ngõ ngách, thôn xóm, gia đình. Chính vì vậy, sự quan tâm của cộng đồng xã hội và gia đình đối với những đối tượng nghiện và sau cai nghiện là một trong những vấn đề từ lâu đã được ngành chức năng quan tâm, trăn trở.
Một trong những băn khoăn, vướng mắc khi thực thi các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác hỗ trợ cho người sau cai nghiện, thanh niên chậm tiến chính là rào cản tâm lý. Hầu hết những người sau cai nghiện đều cảm thấy mặc cảm, tự ti khi trở về cộng đồng.
Trước sự kỳ thị của làng xóm, sự thờ ơ của gia đình, nhiều thanh niên trở về từ các trung tâm cai nghiện đã phải rời bỏ địa phương đến nơi khác làm lại từ đầu. Do đó, công tác tuyên truyền dù được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do cái nhìn định kiến của cộng đồng đối với người nghiện, người sau cai nghiện vẫn còn. Một cán bộ tại Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho rằng đây là một trong những rào cản khiến cho người nghiện khó hòa nhập trở lại cộng đồng. Bản thân ông nhiều lần tiếp xúc với đối tượng nghiện tại các trung tâm cai nghiện và đã có dịp lắng nghe tâm sự của họ về vấn đề này. Nhiều học viên chia sẻ với ông rằng họ ngại trở về địa phương vì sợ sự xa lánh, e dè của bà con hàng xóm. Theo ông, muốn tháo gỡ vướng mắc này thì địa phương phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, quan tâm hơn bằng nhiều hình thức tiếp cận gần gũi, thân thiện giúp những người lầm lỗi có thể cởi mở, tái hòa nhập tốt với cộng đồng.
Làm sao xóa bỏ cái nhìn định kiến?
Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện nay Bình Dương có 1 trung tâm cai nghiện duy nhất thuộc sự quản lý của tỉnh là Trung tâm Giáo dục - Lao động - Đào tạo việc làm tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Hiện tại trung tâm có khoảng 300 học viên. Quá trình cai nghiện tại trung tâm, trong thời gian từ 12 đến 24 tháng, các học viên sẽ được dạy văn hóa, từ các lớp xóa mù chữ đến học nâng cao. Các học viên sẽ được giáo dục về hành vi, nhân cách, được trang bị những kiến thức cần thiết về tác hại của ma túy. Ngoài ra, học viên còn được học nghề như sửa xe, điện gia dụng, may, cắt tóc, cạo mủ cao su… Với những lớp đào tạo nghề ngắn hạn này, các học viên sau khi rời trung tâm có thể trở về địa phương mưu sinh bằng sức lao động của mình. Đặc biệt, trong chương trình đào tạo của mình, các bài học về sự kỳ thị và tự kỳ thị cũng được trung tâm trang bị để học viên nhận thức hơn về vấn đề này sau khi trở về địa phương.
Vì phần lớn đối tượng nghiện đều ở tuổi thanh thiếu niên, trung niên nên vai trò của Đoàn thanh niên đối với công tác hỗ trợ sau cai nghiện, thanh niên chậm tiến đóng vai trò quan trọng. Nhiều năm qua, bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, vui chơi bổ ích, Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã cảm hóa và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức, duy trì những câu lạc bộ hướng đến đối tượng thanh niên chậm tiến, những người sau khi chấp hành án tù trở về địa phương, điểm sáng là phường An Thạnh, phường Hưng Định, TX.Thuận An.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng ban Tuyên giáo, Tỉnh đoàn Bình Dương, cho biết: “Trong công tác tuyên truyền, Tỉnh đoàn Bình Dương thường phối hợp với ngành văn hóa tỉnh vận động đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên nghiện ma túy, thanh niên chậm tiến, sau cai nghiện trên địa bàn dân cư tham gia các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm, giao lưu văn hóa văn nghệ… tại các địa bàn trong tỉnh, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm về ma túy. Qua các kênh thông tin, Tỉnh đoàn đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các chi đoàn, chi hội và các đơn vị cơ sở Đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền sinh hoạt trong các nhóm đối tượng. Tùy quy mô, mức độ mà tổ chức các hoạt động phù hợp, trong đó lồng ghép các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, phát huy vai trò của các câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”, “Bạn đồng hành”... Nòng cốt của những câu lạc bộ này là các bạn thanh niên sau cai có nhiều tiến bộ. Đây là nhân tố để tuyên truyền, giao lưu với đoàn viên thanh niên cũng như vận động các đối tượng khác tham gia tái hòa nhập cộng đồng, cùng nhau tiến bộ”.
TÂM TRANG