Chú trọng chất lượng

Thứ ba, ngày 05/12/2023

(BDO)  Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Chương trình OCOP. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn định hướng tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các sở ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Từ đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, tập trung ưu tiên đối với các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các sản phẩm gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc thuộc nhóm sản phẩm thứ tư trong 6 nhóm sản phẩm OCOP (nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí). Đây là nhóm sản phẩm tiềm năng OCOP rất lớn ở Bình Dương, đặc biệt đối với sản phẩm gốm sứ và sơn mài. Thông qua việc triển khai Chương trình OCOP thường niên, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm gốm sứ, sơn mài, đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đạt các chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần phát triển nhóm sản phẩm OCOP thứ 6 (nhóm du lịch nông thôn).

Tuy nhiên, so với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp trong tỉnh thì số lượng được công nhận OCOP còn ít so với lợi thế của tỉnh nhà. Về nguyên nhân này, ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng địa phương chú trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng sản phẩm đạt chứng nhận nên các quy trình xét duyệt, thẩm định khắt khe. Cũng vì vậy, sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nhưng bảo đảm thương hiệu, nhãn hiệu và uy tín lâu dài.

Để các sản phẩm đủ điều kiện được công nhận, các đơn vị, địa phương đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP với phương châm “chất lượng hơn số lượng”. Từ các chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đẩy mạnh quảng bá và kết nối tiêu thụ sẽ hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất sản phẩm OCOP.

 PHƯƠNG ANH