Chú trọng bình ổn giá lương thực, thực phẩm
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá sáng nay, 18-11, nhiều đại biểu cho rằng, dự luật cần đưa rõ tiêu chí, danh mục bình ổn giá để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp hợp lý tùy từng mức độ, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Trần Quang Chiểu (Nam Định) đều cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể hơn danh mục hàng hóa bình ổn giá (theo dự thảo là nguyên, nhiên, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người như: ăn, mặc, ở, học tập, đi lại, chữa bệnh) bởi theo quy định của dự luật là quá chung chung và không biết cơ quan nào sẽ thực hiện và thực hiện bằng cách nào. Chính vì quy định danh mục chung chung như vậy nên các đại biểu đều cho rằng cần phải bổ sung, chú trọng việc bình ổn giá các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm bởi đây là những loại hàng hóa ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng cả nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay
Cũng liên quan đến bình ổn giá, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng, cần có các biện pháp chú trọng ổn định giá hàng hóa nông nghiệp, nông sản vì thực tế nhiều mặt hàng người nông dân không được định giá và do người mua định giá. Và như vậy, người nông dân khó tránh khỏi bị ép giá trong khi sản xuất lương thực, thực phẩm là hàng hóa quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực. Do đó, đại biểu này đề nghị cần phải đưa các sản phẩm nông nghiệp vào danh mục định giá, bình ổn giá để đảm bảo cho người sản xuất.
Theo các đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Trần Quốc Tuấn, một trong các nguyên nhân yếu kém trong việc quản lý giá cả thời gian qua khiến giá hàng hóa tăng cao chính là do công tác quản lý còn yếu kém, đặc biệt là khâu phân phối.
“Chưa làm tốt kênh phân phối là tác nhân làm cho giá từ người sản xuất đến người tiêu dùng quá cao. Ở Hà Nội có thời điểm 1kg thịt lợn từ sản xuất đến bán lẻ tăng tới hơn 40.000 đồng, tức tăng đến 50% giá bán. Đây là điều bất hợp lý và khó có thể chấp nhận chi phí trung gian quá lớn”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng chia sẻ, lạm phát tăng cao vừa qua có nguyên nhân từ chính sách tài khóa, tiền tệ nhưng quan trọng là do quản lý chưa tốt, nhất là về cung – cầu. “Thời gian qua cung hàng hóa có tăng nhưng tại sao giá vẫn tăng? Việt Nam có thế mạnh về lương thực, thực phẩm nhưng tại sao so với các nước tốc độ tăng giá vẫn tăng gấp 3 lần các nước trong khu vực. Yếu tố tăng giá cần phải được xem xét, làm rõ và thể hiện cụ thể hơn trong dự luật”, đại biểu Ngân đề nghị.
Danh sách các vị bộ trưởng và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn
Sáng nay, 18-11, Văn phòng Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội danh sách các vị bộ trưởng và thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội vào cuối tuần sau (từ ngày 23-11 đến hết buổi sáng 25-11).
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Buổi sáng 25-11, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo và trả lời các chất vấn trực tiếp.
Các thành viên Chính phủ khác cũng sẽ có mặt tại phiên chất vấn để làm rõ các vấn đề có liên quan, nếu cần thiết. Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề để tạo sự chủ động cho việc trả lời và có điều kiện đối thoại sâu, chất vấn có trọng tâm trọng điểm. Để tăng cường tính đối thoại, mỗi vị đại biểu được dành không quá hai phút/ lần để nêu câu hỏi.
Theo SGGP