Chú trọng bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
(BDO) Đa dạng sinh học là khái niệm chỉ sự phong phú của các sinh vật sống trong tự nhiên trên trái đất, từ các sinh vật nhỏ bé đến các loại động thực vật và hệ sinh thái mà ở đó chúng có mặt. Trong tiến trình phát triển, Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Lưu giữ nguồn gien quý hiếm
Làng tre Phú An (TX.Bến Cát) được hình thành từ năm 1999 trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh với sự hợp tác giữa 4 đơn vị: vùng Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. Làng tre Phú An có Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An - là nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam.
Khu núi Cậu (Dầu Tiếng) được lựa chọn là nơi bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Ảnh: XUÂN THI
Năm 2010, Làng tre Phú An là một trong 25 dự án đã vượt qua vòng tuyển chọn của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) từ hơn 300 dự án tham dự ban đầu trên khắp thế giới. Làng tre Phú An được vinh danh tại lễ trao giải lần này nhằm ghi nhận những nỗ lực của đơn vị trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo các chuyên gia, các hoạt động của con người đang ngày càng làm suy giảm khả năng chu cấp cho sự sống của trái đất, trong khi sự tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng lại đòi hỏi ngày càng nhiều tài nguyên từ thiên nhiên. Do môi trường ngày càng bị thay đổi, vấn đề bảo tồn tối đa tính đa dạng sinh học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Làng tre Phú An đang được sự quan tâm lớn của Bình Dương, bởi đây đang lưu giữ nguồn gien quý hiếm của các chủng loại tre đa dạng, phong phú vào bậc nhất của thế giới. Làng tre Phú An đã được nhiều tạp chí khoa học thế giới giới thiệu và được nhiều nhà khoa học về đây nghiên cứu. Đây là lý do để tỉnh nhà quan tâm nhiều hơn về khu bảo tồn tre có một không hai này.
Khôi phục các vườn cây đặc sản
Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương tiếp tục rà soát và quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng và các khu bảo vệ cảnh quan; đồng thời xây dựng hệ thống bảo tồn, bao gồm hệ thống phân hạng thống nhất cho các khu bảo tồn trên cạn, đất ngập nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các kế hoạch hành động đa dạng sinh học địa phương cho từng khu vực quan trọng; hỗ trợ các địa phương có những đối tượng cần bảo tồn. Những dự án, mô hình… quan trọng đang được tỉnh triển khai như Dự án bảo tồn hành lang đa dạng sinh học ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; mô hình quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng bền vững dựa vào cộng đồng; giải pháp phục hồi hệ sinh thái cảnh quan cho các khu du lịch...
Theo Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Bình Dương đang thực hiện 10 dự án ưu tiên với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến các dự án bảo vệ phục hồi và đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Dầu Tiếng, rừng sản xuất, rừng trồng tại huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện những đề án, dự án trong các kế hoạch hành động vì sự đa dạng sinh học, như Đề án phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Dự án Làng bưởi Bạch Đằng...
Hiện nay, các dự án nói trên được Bình Dương thực hiện bằng nguồn kinh phí địa phương và xã hội hóa. Trong số này, Dự án phát triển khu du lịch bán hoang dã tại núi Cậu (Dầu Tiếng) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, sẽ là nơi lưu giữ, sinh sống của số loài động vật quý hiếm trên thế giới.
Đối với vườn cây ăn trái Lái Thiêu - vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon… diện tích trồng cây ăn trái ở đây đang dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh và ảnh hưởng của triều cường. Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, đến nay vườn cây đang trên đà hồi phục; những vụ mùa sai trái tiếp tục mang đến niềm vui cho người nông dân ở đây.
Các chuyên gia cho rằng, sự đa dạng sinh học không chỉ mang đến cho con người nguồn tài nguyên để tiêu dùng, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giá trị khổng lồ về kinh tế mà còn cả những giá trị về mặt thẩm mỹ và tinh thần. Chính vì thế, việc bảo tồn tính đa dạng sinh học không phải là nhiệm vụ của riêng các nhà quản lý, các nhà khoa học mà cần phải có sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng.
XUÂN VĨ