Chủ trang trại trẻ Nguyễn Ngọc Thùy Trang: Từ đam mê đến làm giàu

Thứ sáu, ngày 04/10/2013

Nuôi dưỡng tình yêu với hoa lan từ tấm bé, khi lớn lên cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Thùy Trang (sinh năm 1990) đã chọn loài hoa đẹp này để làm giàu. Trang trại hoa lan Minh Trang (ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên) của Thùy Trang là một trong những trang trại trồng lan lớn nhất của Bình Dương.  

 Thùy Trang đang chăm chút cho từng gốc lan

Thùy Trang cho biết, ông nội của cô là nghệ nhân hoa lan. Chính ông nội là người đã truyền lòng yêu thích hoa lan cho cô trong những lần dẫn cô tham gia các cuộc thi về hoa lan. Lúc đó, cô bé Minh Trang cũng chỉ biết là hoa lan đẹp chứ chưa biết nhiều về đặc tính, tên gọi của từng loại lan và chưa nghĩ là sẽ làm giàu từ cây hoa lan như bây giờ.

Năm 2010, khi mới là sinh viên năm nhất ngành marketing của một trường đại học ở TP.HCM, cô đã quyết định cùng cha mẹ xây dựng mô hình trồng lan. Cô được giao đảm nhiệm khâu tuyển chọn giống, phụ trách kỹ thuật trồng lan, một trong những khâu quyết định đến yếu tố thành, bại trong việc trồng lan. Để có thể tuyển chọn được những giống lan ưng ý nhất và nắm chắc được công nghệ trồng lan hiện đại, Thùy Trang đã sang tận Thái Lan, vào các trang trại trồng lan tại nước này để học hỏi kinh nghiệm. Để có thể làm tốt công việc này đòi hỏi cô phải có lòng kiên trì vì phải sắp xếp ổn thỏa giữa việc học và làm. Thùy Trang cho rằng, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Vĩnh Tân rất thích hợp cho việc trồng lan. “Lúc đầu tôi cũng chỉ dám trồng 1 ha mặc dù gia đình tôi có khoảng 4 ha đất. Tuy nhiên việc trồng lan ban đầu cũng gặp không ít khó khăn do cây lan giai đoạn đầu còn yếu, tôi cũng chưa nắm vững về đầu ra cũng như còn thiếu kinh nghiệm. Xung quanh trang trại lan của tôi chủ yếu là các vườn cây cao su, khi cao su rụng lá, các loại sâu hại lại quay sang tấn công vườn lan”, Thùy trang tâm sự. Và để có thể xử lý tốt sâu bệnh ngoài những kinh nghiệm đòi hỏi thực tế tại các mô hình, Thùy Trang còn thường xuyên tham khảo thêm tài liệu qua các loại sách, báo, qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tay nghề.

Bỏ ra số tiền ban đầu gần 2 tỷ đồng để trồng 10.000 gốc lan, xây dựng mô hình với quy mô lớn, còn thiếu kinh nghiệm nhưng Thùy Trang vẫn rất tự tin vì cô biết chắc chắn thị trường lan tại Việt Nam là rất tiềm năng. Tuy cây lan trồng giai đoạn đầu chịu hao hụt nhiều do sâu bệnh nhưng cô vẫn quyết tâm theo đuổi nghề. Đúc rút kinh nghiệm dần dần, giờ đây Thùy Trang đã có thể xử lý tốt với các loại bệnh hại trong trang trại của mình.

Phải mất gần nửa năm đầu, trang trại lan của cô mới dần dần ổn định và sau đó cây lan mới phát triển tốt. Năm đầu tiên từ 1 ha trồng lan cô chỉ thu về khoảng 2- 3 triệu đồng/tháng. Sang các năm sau, do tích dũy dần kinh nghiệm, cô trồng lan hiệu quả hơn. Lúc này đợt lan trồng ban đầu thuần hơn, cho bông đều hơn nên nguồn thu của trang trại cũng dần được nâng lên. Giờ đây, cô đã trồng được khoảng 2 ha lan với trên 52.000 gốc lan các loại. Loại lan chủ lực trong trang trại của Thùy Trang là lan Mokara với trên 10 loại như vàng chanh, vàng nến, chấm... Bên cạnh đó là các loại lan khác như Cattleya, Van da… Giờ đây mỗi ngày trang trại lan của cô đã cho thu hoạch khoảng 10.000 cành với giá bán từ 5.000 - 12.000 đồng/cành. Thu nhập từ trồng lan trong trang trại của cô đã tăng lên từ 60 - 80 triệu đồng/tháng. Thùy Trang cho biết, TP.HCM vẫn là thị trường lớn nhất, tiêu thụ trên 65% sản phẩm của trang trại; kế đến là Khánh Hòa, Bình Dương. Trong 2 năm gần đây, sức tiêu thụ của thị trường lan đang tăng lên rất mạnh, nhất là với loại lan Mokara. Đây là điều kiện thuận lợi để Thùy Trang tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện tại, cô đang tiếp tục xây dựng thêm trại lan mới với công nghệ tiên tiến hơn để có thể tiếp tục nâng cao thu nhập.

Trang trại lan Minh Trang hiện đang giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Tuy đã theo đuổi cây lan từ bé, làm kinh tế từ cây lan hơn 3 năm nay nhưng Thùy Trang vẫn rất khiêm tốn khi nói về những thành quả của mình. Theo cô, với nhiều loại lan khác nhau, mỗi loại lại có những đặc tính sinh trưởng trong từng vùng khí hậu khác nhau, nếu nói rằng đã hiểu hết về cây lan là điều không thể với một cô gái trẻ như cô. Với cô, việc chăm chút cho từng gốc lan là một niềm vui. Vì vậy lúc nào cô cũng không cho phép mình bằng lòng với vốn kiến thức hiện tại và luôn có suy nghĩ là làm hết sức mình để vườn lan của mình phát triển tốt. Hàng năm, các nhân viên trong trang trại của cô đều được tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác để nâng cao trình độ. Cô đang có định hướng phát triển thị trường ra Hà Nội, đây là thị trường nhiều tiềm năng. Trang trại lan của cô giờ đây là điểm đến yêu thích của các em học sinh, sinh viên. Thùy Trang cho hay: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, việc xây dựng, phát triển mô hình trồng lan của tôi có nhiều điều kiện thuận lợi. Thời gian tới tôi cũng rất mong muốn các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện cho tôi có thể tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ về vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường để tiếp tục đưa trang trại lan của mình phát triển tốt hơn”.

ĐÀ BÌNH