Chủ tiệm cầm đồ tham gia tố giác tội phạm
(BDO)
Dịch vụ cầm đồ là loại hình kinh doanh có điều kiện. Hoạt động của các cơ sở này đã phát sinh và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT). Trước tình trạng này, Công an (CA) một số địa phương đã có nhiều biện pháp để vận động các chủ tiệm cầm đồ tham gia tố giác tội phạm, giữ gìn ANTT.
GPLX giả do Trần Văn Nhơn và đồng bọn mang đi lừa bị thu giữ phục vụ công tác điều tra Ảnh: P.V
Tuyên truyền pháp luật
Trung tá Lê Hoàng Phương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CA TX.Thuận An, cho biết: “Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn, CA TX.Thuận An đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ về ANTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến chủ các cơ sở này; phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với các cơ sở có hành vi vi phạm. Song song đó, CA địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với các ổ nhóm phạm tội, tệ nạn xã hội lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như việc lợi dụng kinh doanh cầm đồ để đòi nợ, siết nợ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có…”.
Trung tá Phương cho biết thêm, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn, CA TX.Thuận An sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, cũng như chỉ ra các phương thức thủ đoạn của các đối tượng phạm tội trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện và chấp hành tốt các quy định trong công tác quản lý nhà nước về ANTT trên địa bàn. Bên cạnh đó, CA thị xã còn thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, CA các phường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định trong công tác quản lý nhà nước về ANTT.
Cung cấp tin tố giác tội phạm
Ngoài công tác tuyên truyền pháp luật cho các cơ sở, CA thị xã còn cung cấp số điện thoại để người dân cung cấp thông tin tố giác tội phạm. Qua đó, các cơ sở đã cung cấp cho cơ quan CA nhiều nguồn tin có giá trị, giúp CA khám phá ra nhiều vụ phạm pháp. Điển hình như chủ tiệm cầm đồ đã tham gia khám phá nhanh vụ băng nhóm sử dụng giấy tờ giả để cầm cố tại các tiệm cầm đồ trên địa bàn TX.Thuận An cách đây không lâu.
Trước đó, trên địa bàn phường An Phú thường xuyên xuất hiện một nhóm đối tượng từ 5 đến 6 người đi trên xe máy thường vào các tiệm cầm đồ để cầm giấy tờ giả gồm: CMND, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận đăng ký xe. Với thủ đoạn này, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục tiệm cầm đồ bị “mắc bẫy”. Trước bài học “đắt giá” này, nhiều tiệm cầm đồ đã nâng cao cảnh giác và quyết không bị lừa. Các chủ tiệm cầm đồ còn thông báo đến các cơ sở khác để biết cách đề phòng và báo cho cơ quan CA.
“Trả công” bằng giấy tờ giả Đối tượng Nguyễn Văn Thương (SN 1989, quê Đồng Tháp) có cách lừa khác. Chỉ trong một ngày đối tượng này đã dùng các loại giấy tờ giả gồm: GPLX, giấy tờ xe và CMND để lừa 5 chủ tiệm cầm đồ trên địa bàn phường Bình Hòa, TX.Thuận An, chiếm đoạt gần 4 triệu đồng. Với vẻ mặt khắc khổ, Thương mang hồ sơ giả đến tiệm cầm đồ Q.T tại phường Bình Hòa đề nghị cầm cố với giá 700.000 đồng. Qua kiểm tra, chủ tiệm nghi ngờ các loại giấy tờ này là giả nên báo CA địa phương. Ngay lập tức CA phường có mặt mời Thương về trụ sở làm việc, kiểm tra nhanh phát hiện Thương còn mang theo một bộ hồ sơ tương tự. Thương thừa nhận chỉ trong một ngày mang theo 7 bộ hồ sơ và cầm cố được 5 bộ ở các tiệm cầm đồ trên địa bàn phường Bình Hòa với giá từ 700.000 - 900.000 đồng/ bộ. Đến khi Thương lừa tiệm thứ 6 thì bị phát hiện bắt giữ. Thương cho biết số giấy tờ giả trên do một đối tượng lạ mặt giao đi cầm và được trả “công bằng” 2 bộ hồ sơ giả. |
Đến ngày 24-1, có 5 đối tượng đi xe máy đến tiệm cầm đồ Đ.T.P (KP.4, P.An Phú), sau đó 2 đối tượng này vào tiệm và đưa ra 1 bộ giấy tờ để cầm giá 1 triệu đồng. Trong khi đó 3 đối tượng khác đứng ngoài cảnh giới. Phán đoán đây có thể là băng nhóm đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo bằng giấy tờ giả trên địa bàn phường trong thời gian qua, chị Lê Thị H., chủ tiệm cầm đồ đã tìm cách cầm chân các đối tượng này, đồng thời tìm cách liên hệ với lực lượng CA phường An Phú và Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm phường An Phú đến giúp. Khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, các đối tượng này nhanh chân tìm đường tẩu thoát nhưng đều bị lực lượng khống chế bắt gọn cùng tang vật là 11 bộ giấy tờ giả.
Tại cơ quan CA, các đối tượng gồm Ngô Văn Kết (SN 1985), Nguyễn Trường An (SN 1983), Cao Tấn Lấm (SN 1989), Phạm Văn Bé Bảy (SN 1992, cùng quê Tiền Giang) và Trần Tuấn Thanh (SN 1990, quê Kiên Giang) đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Qua khai thác, các đối tượng khai vào ngày 22-1, chúng đã đến tiệm cầm đồ H.N và V.H.T (KP.3, P.An Phú) cầm được 2 bộ hồ sơ giả với giá 1 triệu đồng/bộ. Trước đó, ngày 23-1, nhóm này đã xuống Bà Rịa - Vũng Tàu cầm được 21 bộ hồ sơ giả tại 21 tiệm cầm đồ và chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Đến khi bị bắt, các đối tượng này khai đã thực hiện được 4 vụ tại các tiệm cầm đồ cùng thuộc địa bàn KP.4, P.An Phú.
Nhiều đối tượng đã dùng các thủ đoạn gian dối để đánh lừa các chủ tiệm cầm đồ. Thủ đoạn phổ biến hiện nay là chúng dùng giấy tờ xe giả mang đi cầm với lý do “Hết tiền nên phải làm vậy!”. Nhiều chủ tiệm chưa có kinh nghiệm tưởng thật nên dễ bị “ăn quả lừa”.
Cách đây không lâu, CA TX.Thuận An đã khởi tố vụ án và tạm giam các đối tượng trong một đường dây chuyên “sản xuất” giấy phép lái xe (GPLX) giả, sau đó mang đến các tiệm cầm đồ trên địa bàn TX.Thuận An cầm cố với giá từ 200.000 - 500.000 đồng. Đối tượng Trần Văn Nhơn (SN 1984, quê An Giang, tạm trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu nhóm này. Chúng đặt hàng “sản xuất” GPLX giả, sau đó phân công người đến các tiệm cầm đồ cầm cố với giá từ 200.000 - 500.000 đồng. Khi cầm cố, những đối tượng này nêu lý do “Là công nhân xa nhà, cuối tháng chưa lãnh lương nên cầm GPLX mua gạo…”. Nhiều chủ tiệm tin lời đã sập bẫy.
Trước đó, Nhơn chở Nguyễn Thị Phượng (SN 1987, quê Bến Tre) đến tiệm cầm đồ Q.T ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An “cắm” một GPLX với giá 500.000 đồng. Do trước đó đã được CA địa phương tổ chức tuyên truyền nhằm cảnh giác trước các thủ đoạn, phương thức của đối tượng lừa kiểu này nên phát hiện GPLX này có dấu hiệu nghi vấn, chủ tiệm đã mật báo CA địa phương bắt giữ Phượng. Nhơn nhanh chân chạy thoát. Kiểm tra GPLX do Phượng mang đi cầm cố thì hình trong GPLX chính là Phượng nhưng ghi tên là Trần Thị Thu Thảo. Thông tin trên GPLX thể hiện được Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh cấp từ năm 2005 nhưng GPLX còn rất mới.
Sau khi bị bắt, Phượng đã thừa nhận cùng Nhơn nhiều lần mang GPLX giả đi cầm cố ở các tiệm cầm đồ tại phường Bình Hòa, thu lợi bất chính được 4,7 triệu đồng. Các đối tượng trong nhóm của Phượng gồm: Phượng, Nhơn, Phạm Võ Ngọc Duyên (SN 1987, vợ Nhơn), Danh Thị Nga (SN 1973, quê Kiên Giang) và một số đối tượng khác. Qua điều tra xác định có cả người nhà của Nga cung cấp hình ảnh để làm GPLX giả rồi mang đi lừa. Ngoài việc lấy tên Trần Thị Thu Thảo, Phượng còn dùng chính hình của mình để dán lên GPLX giả với các tên như: Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Kim Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Ngọc Lan…
Nhơn và vợ bị bắt tại Vũng Tàu. Quá trình điều tra, xác định Nhơn có vai trò chính trong đường dây này. Sau khi dùng hình ảnh của chính mình, vợ mình và các đồng phạm như Phượng, Nga… thuê người làm GPLX giả, chính Nhơn điều khiển xe máy chở họ đến các tiệm cầm đồ lừa.
NHÓM P.V