Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Phải có quy chế quản lý trước khi xây dựng chính quyền đô thị
Theo đó, tỉnh Bình Dương đang gấp rút hoàn thành 14 công trình trọng điểm; trong đó, dự án Khu trung tâm hành chính - chính trị tập trung của tỉnh là một trong những công trình trọng điểm của năm 2013, dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu năm 2014. Cùng với việc quy hoạch và xây dựng đô thị, Bình Dương quan tâm đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng. Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp; xử lý đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển các khu dân cư đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Sau khi nghe dự thảo báo cáo kết quả thực hiện trong 2 năm qua và góp ý của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về việc cần thiết phải xây dựng quy chế quản lý đô thị; chuyển đổi công năng một số khu vực nội ô, các cụm công nghiệp chưa phát huy được hiệu quả đến nơi quy hoạch phù hợp, nhằm phát huy tốt lợi thế, ví trí xây dựng… Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung yêu cầu: Muốn quản lý tốt quy hoạch phát triển đô thị, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng quy chế quản lý đô thị, làm nền tảng để vận hành chính quyền đô thị. Trong việc xây dựng quy chế, cần tập trung vào các yêu cầu trọng tâm như nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật trong không gian đô thị… Khi chưa có quy định cụ thể thì Ban soạn thảo quy chế quản lý đô thị phải dựa trên Nghị quyết của Tỉnh ủy và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành và địa phương mình.
DUY CHÍ