Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Đề án xử lý chất thải y tế cần tính cả các cơ sở y tế ngoài công lập
Sáng 13-6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chủ trì cuộc họp để nghe Sở Y tế báo cáo đề án xử lý chất thải y tế (CTYT) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
CTYT là nguồn chứa vi sinh vật gây hại có thể gây ra nhiễm trùng bệnh cho bệnh nhân, nhân viên y tế và cả dân thường. Chất thải và các dư phẩm của chất thải cũng gây chấn thương, như bỏng phóng xạ, chấn thương do vật sắc đâm, ngộ độc và ô nhiễm… Vì vậy, đề án trên được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTYT nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Theo đề án, đến năm 2015, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó có trên 90% lượng chất thải rắn y tế nguy hại và 90% nước thải y tế được xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Đến năm 2020, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Theo dự báo của đơn vị tư vấn, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 5.937 giường bệnh và lượng CTYT nguy hại phát sinh khoảng 364 tấn/năm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã đề nghị đơn vị tư vấn cần dựa trên cơ sở thực tế của địa phương và đề án xử lý chất thải ngành y tế của Chính phủ đã ban hành để đề ra phương án xử lý thích hợp; ngoài các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh cần tính cả các cơ sở y tế ngoài công lập; thời gian thực hiện đề án phải tính đến năm 2025. Nếu chọn phương án xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung nên tính toán cách thức vận chuyển thuận lợi với chi phí thấp và phương tiện vận chuyển riêng, bảo đảm vệ sinh môi trường; có thể sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn ODA để xây dựng hệ thống xử lý cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả.
Hồng Thuận