Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực - Bài 3

Thứ hai, ngày 20/08/2018

(BDO) Bài 3: Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc mà còn có nhiều cống hiến quan trọng về lý luận xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam. Những quan điểm về xây dựng mặt trận và tấm gương sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn luôn có giá trị thời sự, thiết thực đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân hôm nay và mai sau.

Những bài học về đại đoàn kết toàn dân

Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình ảnh đồng chí Tôn Đức Thắng sâu đậm về uy tín và đức độ. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống Xê-cu Tu-rê, Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê sang thăm nước ta năm 1960

Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn khẳng định vai trò quyết định của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xử lý và giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ rằng, Đảng phải nắm bắt và phân tích sâu sắc sự vận động của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại để làm rõ và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp, xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc” - theo tư tưởng Hồ Chí Minh - trong nội dung các khẩu hiệu chiến lược của cách mạng để tập hợp được lực lượng, đoàn kết dân tộc ở mỗi thời kỳ, để định hướng trong tổ chức, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và trong việc “điều giải một cách hợp lý” mâu thuẫn và quyền lợi giữa các giai cấp... nhằm phát huy tối đa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta.

Tổng kết từ thực tế, đồng chí đã chỉ ra rằng: “không phải như một số đồng chí hiểu lầm rằng công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách, mà trái lại, toàn Đảng phải chăm lo”. Trong công tác mặt trận phải “nêu cao sự lãnh đạo của Đảng”, phải nắm vững nguyên tắc “Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai, quyết không thể làm lu mờ được”. Đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định: Vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Theo đồng chí, “phương pháp duy nhất giúp ta thành tựu ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình”. “Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng” và cùng với việc đề ra đường lối, chính sách đúng, Đảng phải có phương thức, lề lối làm việc dân chủ để mọi thành viên trong mặt trận đều được bàn bạc, thống nhất hành động. Đối với những công việc chung, đồng chí cho rằng, cần phải bàn bạc dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người. Ý kiến đúng chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai phải giải thích và thực hiện phương pháp thân ái, tự phê bình trong nội bộ mặt trận; phải nắm vững nguyên tắc: “Đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết” nhưng phải “tiến hành đấu tranh trong nội bộ mặt trận một cách có lợi, có lý, có chừng mực để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”.

Do vậy, Đảng phải không ngừng nâng cao trí tuệ, hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Đó là tư tưởng và cũng là bài học có tính thời sự hết sức quý báu mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho chúng ta.

Tinh thần quốc tế cao cả

Đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên một chiến hạm Pháp (tháng 4-1919), ủng hộ nước Nga (Xô Viết) - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chống sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc đối với Nhà nước Xô Viết non trẻ. Với những việc đó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trở thành một gạch nối của Cách mạng Nga với Cách mạng Việt Nam, nối liền Cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

 Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất (Ảnh tư liệu)

Trên 60 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung, được bạn bè thế giới ghi nhận và tôn vinh. Đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt- Xô. Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn chăm lo đến tình đoàn kết quốc tế, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với bầu bạn trên thế giới. Trong các hoạt động của mình, đồng chí luôn tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử để giúp nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rõ bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân thế giới giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đã có trên 60 năm cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cách mạng thế giới, xứng đáng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những ghi nhận, đánh giá của bạn bè thế giới. Với công lao, đóng góp to lớn cho phong trào hòa bình thế giới, đồng chí vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin của Liên Xô trao tặng Giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” vào tháng 12-1955 (sau này mang tên là Giải thưởng Lênin); được đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và huân chương hữu nghị của nhiều nước.

 Nói về những cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Võ Chí Công, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhấn mạnh: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình ảnh tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt đời hoạt động của mình, Bác Tôn hết lòng chăm lo đoàn kết đồng chí, đoàn kết đồng bào, đoàn kết cả nước trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập thống nhất của Tổ quốc,  vì chủ nghĩa xã hội”.

 Đ.HẬU