Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền của Hải Phòng
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Sáng 6/5, tại trụ sở Trung tâm Chính trị-Hành chính quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22/5 và bế mạc vào 23/6, chia làm 2 đợt; tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng năm 2023; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố từ sau Kỳ họp thứ 4 đến nay, công tác tiếp công dân…
Tại cuộc tiếp xúc có 7 cử tri quận Ngô Quyền phát biểu, tham gia ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), công tác bảo vệ môi trường; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát triển văn hóa-du lịch, đề xuất tháo gỡ một số bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo…
“Điểm sáng” trong quá trình phát triển
Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, đề cập toàn diện đến các vấn đề lớn liên quan an sinh xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Phổ quát nhất, các cử tri đã bày tỏ vui mừng về thành tựu kinh tế-xã hội năm 2022, đầu năm 2023 của đất nước, thành phố Hải Phòng; nhất là trong điều kiện thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định, khó lường, liên tục chịu tác động, “sốc” từ dịch COVID-19, cạnh tranh nước lớn, xung đột vũ trang, lạm phát…
Nhiều nước trên thế giới có tăng trưởng thấp, lạm phát cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nền kinh tế mở nên bị tác động lớn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cả trong những lúc khó khăn nhất, thế giới không tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm, năm 2022 Việt Nam đã tăng trưởng dương, lạm phát ở mức 3,15%, giữ ổn định các cân đối vĩ mô, an sinh xã hội được đảm bảo, người dân được hưởng thành quả của quá trình đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã phân tích tình hình thế giới và trong nước, trong đó có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay; những khó khăn nội tại.
Nhiều địa phương được coi là cực tăng trưởng của cả nước có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Kinh tế tăng trưởng chậm do tác động của thị trường thế giới, dẫn tới xuất-nhập khẩu giảm, tình hình sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn...
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ ý kiến của cử tri về "bệnh" sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp...
Trong tình hình chung như vậy, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng; tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ Hải Phòng.
Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng GRDP của thành phố đạt cao. Hải Phòng là “điểm sáng” trong quá trình phát triển. Trong thực hiện chính sách chung, do thành phố đạt những kết quả khá tốt nên người dân được hưởng ở mức cao hơn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Tại hội nghị tiếp xúc, cử tri Lê Vũ Thành cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, có nhiều điểm mới như tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Nhiều vụ tham nhũng được xử lý nghiêm minh; công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn. Quốc hội thường xuyên quan tâm tới công tác ban hành, hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với nhận định của cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng; cho biết bạn bè quốc tế cũng ghi nhận và đánh giá rất cao; chỉ số minh bạch, phòng, chống tham nhũng của nước ta tăng lên đáng kể. Về logic, khi môi trường đầu tư công khai, minh bạch thì sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng nước ta là Nhà nước pháp quyền nên mọi việc phải tuân thủ đúng luật, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, thông suốt. Vì thế, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt được kết quả cao như vậy.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn ý kiến của cử tri về những đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, tăng tính pháp quyền và ngày càng linh hoạt hơn.
Chỉ trong hơn 2 năm, Quốc hội đã tiến hành 4 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước, đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời.
Về Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sắp tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là kỳ họp có số lượng dự án luật, nghị quyết có tính chất như luật rất lớn - 18 dự án. Có thể sẽ có thêm một số dự án được bổ sung. Vì thế, Kỳ họp này sẽ được tổ chức thành 2 đợt để có khoảng 1 tuần nghỉ giữa Kỳ họp, giúp các Đoàn đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu các dự án, nội dung kỹ lưỡng hơn.
Mặc dù khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng do công tác chuẩn bị được tiến hành rất kỹ lưỡng, nên tổng thời gian thực tế của kỳ họp được rút ngắn đáng kể so với trước đây.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ về công tác xây dựng pháp luật, để tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo,” ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 về chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và ban hành Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành trong suốt nhiệm kỳ.
Ghi nhận ý kiến của ông Lê Đức Tùng, công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận Ngô Quyền về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) góp ý về thực hiện các quyền của người sử dụng đất, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất..., Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án Luật này được xác định là trọng tâm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Công tác lấy ý kiến nhân dân về dự án luật đã được tiến hành rất hiệu quả, với trên 12 triệu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới tiếp tục nghe kết quả lấy ý kiến người dân, cử tri về dự án luật này.
Đây là dự án luật liên quan tới nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật, trong đó có 22 luật liên quan trực tiếp, nên rất cần sự đồng bộ.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội cho ý kiến, còn 1 kỳ họp nữa (Kỳ họp thứ 6) mới xem xét, nếu có đủ điều kiện thì mới thông qua. Dự án luật này được làm rất kỹ, nhiều khâu, thể hiện trách nhiệm rất lớn của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri Đỗ Trung Thoại về tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại…
Đánh giá kiến nghị là hết sức xác đáng, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại nhóm nhiệm vụ giải pháp chính hiện nay vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đánh giá Hải Phòng làm tốt nhiệm vụ này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thành phố không được chủ quan thì sẽ có kết quả tốt hơn, nhất là sự phối hợp liên ngành rất quan trọng.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến cử tri về chủ trương để thành phố thu hồi đất thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố; về nạo vét luồng kênh Hà Nam và luồng trên sông Cấm để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu ra vào các cảng trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ di chuyển các hộ dân đang sinh sống tại chung cư cũ nguy hiểm để thống nhất áp dụng tại thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành khác; tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản…
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến trong chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhằm hỗ trợ Chính phủ trong tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.
Chia sẻ ý kiến của bà Bùi Thị An liên quan đến môi trường, nhất là phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề quan trọng, trong đó có phân loại rác hữu cơ, vô cơ, phân loại tại nguồn để xử lý; theo kinh tế tuần hoàn thì bản thân rác thải cũng là loại tài nguyên khi được xử lý tái chế.
Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đang giám sát thực hiện việc tổ chức thực hiện một số giải pháp như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn kỹ thuật phân loại…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng Hải Phòng quan tâm tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền, bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, sớm rà soát, điều chỉnh, cập nhật đồ thị quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý rác…
Về ý kiến cử tri Lê Vũ Thành, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2022, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về nội dung này, huy động 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 63 Hội đồng nhân dân.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết ghi rõ những việc cần giải quyết. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến cử tri cho rằng thất thoát, lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ thống nhất hằng năm trong chương trình thảo luận kinh tế, xã hội có dành riêng báo cáo và thảo luận về nội dung này.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về hợp tác công tư trong lĩnh vực du lịch, thể thao, chính sách ưu đãi cho phát triển du lịch, thiết chế văn hóa cơ sở, thiết chế văn hóa thể thao; lĩnh vực giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, chế độ đãi ngộ trong ngành giáo dục, thu hút người giỏi trong đào tạo sư phạm, sự gắn kết cơ sở đào tạo sư phạm với nhu cầu đào tạo thực tế ở địa phương, vị trí việc làm trong ngành sư phạm…
Trưa cùng ngày, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên… đã thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.
Trung tâm là công trình đa năng, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện có quy mô lớn như các hội nghị, hội thảo lớn của quốc gia và quốc tế, biểu diễn nghệ thuật.
Công trình có 1.500 chỗ, quy mô 3 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn khoảng 49.612m2. Địa điểm xây dựng tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên trên diện tích sử dụng đất khoảng 12,39 ha./.
Theo TTXVN