Chủ tịch Quốc hội: Giá dịch vụ khám chữa bệnh phải tính đúng, tính đủ

Thứ tư, ngày 14/12/2022

(BDO)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, sáng 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bổ sung hình thức mua trả chậm, thuê mượn thiết bị y tế

Trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban đã rà soát các quy định; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Chương X.

Liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Do vậy, để thận trọng, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động và quy định chi tiết về Hội đồng Y khoa Quốc gia (thể hiện tại Điều 24 của dự thảo Luật). Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, thể hiện tại Điều 108 dự thảo Luật. Dự thảo Luật khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Điều 109), tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật dự kiến bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trọng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa.

Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Làm rõ chức năng, nhiệm vụ Hội đồng Y khoa Quốc gia

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế trong việc kịp thời nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, đầy đủ đối với những vấn đề rộng và phức tạp của dự thảo Luật.

Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần quy định rõ ai quản lý, ai chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, làm rõ tổ chức xã hội nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh có mối liên hệ thế nào với Hội đồng Y khoa. Trách nhiệm của các tổ chức này trong việc tham gia đánh giá năng lực ra sao, "vì Hội đồng Y khoa nếu có thì chỉ làm đầu mối chứ không thể làm tất cả mọi thứ."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh về mặt luật pháp là không hợp lý bởi mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Thời hạn giá trị chỉ 5 năm, sau đó cấp lại và gia hạn cũng 5 năm. Do đó, cần rà soát lại quy định về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.

Đối với giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, theo Chủ tịch Quốc hội, nên tập trung vào một số vấn đề lớn, trong đó đặc biệt cân nhắc khi quy định về giá trị vô hình của thương hiệu.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên tiếp cận theo hướng quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh gồm những gì, phải tính đúng, tính đủ. Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Cho ý kiến về nội dung Hội đồng Y khoa Quốc gia, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị thiết kế nội dung quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trong đó quy định cụ thể hơn nữa vai trò của các hội chuyên ngành trong việc tham gia đánh giá năng lực cấp giấy phép hành nghề theo thông lệ quốc tế.

Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết về Hội đồng Y khoa Quốc gia, thế giới chỉ còn vài nước chưa làm, mặc dù mô hình khác nhau, không nước nào giống nước nào. Sau khi nghiên cứu và thảo luận với Tổng hội Y học Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam vẫn cần thành lập tổ chức mới. Trong đó, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là cơ quan phối hợp.

“Hội đồng này không thể làm hết mọi việc. Cho nên tổ chức này chỉ làm đầu mối chủ trì và đảm nhiệm một số việc," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là dự án Luật được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Quá trình chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật đã được thống nhất, quy định cụ thể. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện quy định về chức danh chuyên môn, lộ trình thực hiện để Hội đồng Y khoa Quốc gia vận hành, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tài sản vật tư y tế...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, gửi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.

Nếu đảm bảo yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2./.

Theo TTXVN