Chủ tịch Quốc hội: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Thứ ba, ngày 11/05/2021

(BDO)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trình bày chương trình hành động. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong các ngày 9-11/5, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 3 thành phố Hải Phòng đã tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri tại các quận: Kiến An, Dương Kinh và các huyện: An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu trung tâm các quận, huyện tới các thị trấn, xã, phường trong địa bàn đơn vị bầu cử số 3 của thành phố.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 3 thành phố Hải Phòng gồm có: ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng; Thượng tá Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trưởng Phòng Quan hệ Quốc tế Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Cử tri các quận, huyện trong đơn vị bầu cử số 3 thành phố Hải Phòng đánh giá cao năng lực, trình độ các ứng cử viên; tán thành với chương trình hành động.

Cử tri mong các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ đảm nhiệm tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, thực hiện hiệu quả nội dung đã cam kết; có sự gắn bó chặt chẽ với cử tri, với đơn vị bầu cử; là cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội và các cơ quan của Đảng, Nhà nước; tiếp nhận, phối hợp giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân...

Đại biểu Quốc hội hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp

Cùng các ứng cử viên trình bày chương trình hành động trước cử tri của các quận, huyện thuộc đơn vị bầu cử số 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân.

Đó là việc “phải luôn ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào” và “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người đại biểu nhân dân.

Cụ thể như: góp phần nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia...

Tại huyện Tiên Lãng, cư tri Trần Minh Thông cho rằng  Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước có những thuận lợi, thời cơ cũng như các thách thức khó lường. Nhưng thời cơ, thuận lợi là rất to lớn, nhất là thế và lực của đất nước ta sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, cùng những thành tựu và kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút qua hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

“Đó vừa là những thuận lợi, nhưng cũng là áp lực lớn đòi hỏi Quốc hội khóa XV, các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội khóa mới, kể cả các đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm phải nỗ lực phấn đấu rất cao như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đó là chúng ta phải đi lên vì đứng lại cũng đã là tụt hậu rồi," cử tri Trần Minh Thông nói.

Thay mặt các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ Đảng đoàn Quốc hội đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV ban hành tại kỳ họp lần thứ 11 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của cử tri khi đề cập đến trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đó là đã là đại biểu Quốc hội chuyên trách phải toàn tâm, toàn ý cho Quốc hội.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2020, đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Tới đây, Đảng đoàn Quốc hội sẽ bàn về việc để đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng luật và ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Quốc hội sẽ có chương trình giám sát việc này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã chia sẻ với cử tri Đỗ Thị Thanh Thủy, quận Dương Kinh mong muốn Quốc hội khóa XV tiếp nối kế thừa được truyền thống 75 Quốc hội Việt Nam, nhất là kết quả những khóa Quốc hội gần đây.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội là trung tâm hoạt động của Quốc hội. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội không chỉ được đánh giá bằng hiệu quả của các kỳ họp, của hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, hiệu quả trong xác lập và thực hiện các mối quan hệ công tác giữa Quốc hội với các cơ quan hữu quan trong hệ thống chính trị, mà còn được đánh giá và đo lường bằng bằng chất lượng hoạt động của từng đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Thức, cử tri đại diện cho doanh nghiệp quận Dương Kinh kiến nghị với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cần có thêm chính sách để giải quyết, hỗ trợ cho doanh nghiêp như Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của gia hạn thời hạn nộp thuế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội nêu tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia, hoặc bức xúc trong xã hội, và đeo bám việc tổ chức việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác hậu giám sát gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động chất vấn, dự kiến, Quốc hội sẽ bàn để tăng cường hoạt động chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giải trình trước Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, như vậy sẽ bám sát thực tiễn cuộc sống và đi đến cùng sự việc hơn là việc chỉ giám sát ở cấp của Quốc hội," Chủ tịch Quốc hội nói.

Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Thay mặt các ứng cử viên, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với kỳ vọng của cử tri Hoàng Thị Cúc, quận Kiến An và cử tri quận Dương Kinh về phát triển thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng, Nhà nước có phương châm rất cụ thể. Đối với những vùng động lực, cực tăng trưởng thì có những chính sách, thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, để phát huy được vai trò là đầu tàu của vùng động lực nhằm lan tỏa sự phát triển sang các tỉnh xung quanh, cho khu vực và cho cả nước.

Với những vùng khó khăn, Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách thích hợp để phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết vấn đề dân sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho những địa phương này rút ngắn được khoảng cách phát triển với các địa phương khác. “Chúng ta không dàn đều ra. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước," Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, hiện còn Hải Phòng và Cần Thơ chưa có cơ chế chính sách đặc thù. Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ đề xuất, hiến kế, kiến nghị những giải pháp cụ thể để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hải Phòng nghiên cứu thực tiễn, đúc kết, kế thừa Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, từ đó Hải Phòng có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền từng nội dung cụ thể; những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đây cũng là một nội dung ưu tiên của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tại quận Kiến An, Chủ tịch Quốc hội trả lời ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đề nghị Quốc hội xây dựng, bổ sung hệ thống pháp luật về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Chủ tịch Quốc hội cho biết nước ta theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ngành y tế, giáo dục theo xu hướng kinh tế thị trường nhưng Nhà nước có vai trò rất lớn đối với hai lĩnh vực này. Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hai lĩnh vực quan trọng là giáo dục và y tế thấm đẫm quan điểm này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở, Nhà nước ban hành chính sách yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng, coi công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là hiện nay, y tế dự phòng đã thể hiện tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo tinh thần nghị quyết, sắp tới, Đảng đoàn Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Trước mắt sẽ sửa đổi Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế còn rất thấp, trong khi danh mục chi cho bảo hiểm y tế lại rất lớn nên mức độ chi trả còn hạn chế. Nếu tăng mức giá dịch vụ y tế lên cho phù hợp với kinh tế thị trường, chúng ta phải tính lộ trình theo từng bước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết khi đưa vấn đề tự chủ và xã hội hóa trong ngành y tế cần phải khắc phục tình trạng lạm dụng về công nghệ cao, đưa giá dịch vụ y tế lên quá cao so với khả năng chi trả của nhân dân. Cùng với đẩy mạnh tự chủ, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị y tế tự chủ 100% phải kiểm toán hằng năm và báo cáo tài chính công khai như doanh nghiệp.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 11/5, tại quận Dương Kinh, cử tri Nguyễn Văn Thức đánh giá cao những giải pháp, chính sách mà Nhà nước đã áp dụng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Cử tri mong muốn và kỳ vọng các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV sau trúng cử tiếp tục quan tâm, xem xét để đưa những điều kiện thụ hưởng sát thực tế hơn nữa.

Ghi nhận ý kiến của cử tri Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thời gian tới sẽ cùng Chính phủ bàn bạc để khắc phục việc này.

Hiện dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm và sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nước ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép để kinh tế, xã hội phát triển và kiểm soát tốt dịch bệnh./.

Theo TTXVN