Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ, trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC
(BDO) Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, chiều 15/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ, trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC.
Cuộc trao đổi có sự tham dự của ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, và đại diện lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như Apple Inc., Boeing, BowerGroupAsia, Cargill, Chubb, Citi, Crowell & Moring International, East West Bank, FedEx, Google, KKR, Mayer Brown, Meta Platforms, Microsoft, Moody's, Organon, Pfizer, Procter & Gamble, Prudential Financial, Inc., PwC, UPS, Visa, Walmart, Western Digital Corporation…
Trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đề xuất những ý tưởng, lĩnh vực Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư, phát triển các cảng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng số, đẩy mạnh cải cách, thông quan điện tử…. Cùng với đó là quyết tâm hơn nữa trong triển khai các chính sách về chuyển đổi số, thanh toán một chạm; các giải pháp quản lý chi tiêu của chính phủ; chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ về những chính sách và định hướng chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế; nhấn mạnh, nhiều năm qua Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, qua đó mang lại giá trị thiết thực cho cả hai bên.
Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng đầu tư vào Việt Nam đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC.
Việt Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ với các băn khoăn của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong tiến trình đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là những vấn đề trọng tâm trong nỗ lực đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc hai nước nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và nhất là các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là trên các lĩnh vực là thế mạnh của Hoa Kỳ như đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, nghiên cứu và phát triển…Việt Nam khuyến khích các chương trình, dự án quan tâm đến phụ nữ, trẻ em, người dân vùng sâu vùng xa và sẵn sàng lắng nghe các ý tưởng mới, khuyến nghị chính sách của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Cho biết trong chuyến công tác đến San Francisco lần này có lãnh đạo một số địa phương giàu tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các địa phương này. Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ với các địa phương của Việt Nam.
Về một số vấn đề còn đang là trở ngại trong hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng có tiếng nói để Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế hỗ trợ chất bán dẫn để tạo điều kiện cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai bên.
Theo TTXVN