Chủ tịch nước phát động phong trào vệ sinh yêu nước
Hôm qua 1-7, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào về công tác vệ sinh phòng bệnh 47 năm trước, Bộ Y tế, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.” Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành, địa phương, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tham dự.
Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước, công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước”; nêu quan điểm “phòng bệnh hơn trị bệnh” thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, ngày 2-7-1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân Dân, nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh.
Trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, vận dụng sáng tạo, khoa học phù hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh; cụ thể hóa bằng các hành động thiết thực. Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, cùng với các hoạt động tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: Phong trào “sạch làng, tốt ruộng”; “sạch bản, tốt nương”; “sạch phố, tốt đồng”; phong trào “ba sạch,” “bốn diệt”; xây dựng ba công trình vệ sinh; mạng lưới vệ sinh phòng dịch tại các tỉnh được thành lập; phong tục tập quán mất vệ sinh dần được khắc phục, các bệnh nguy hiểm dần được thanh toán.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác y tế dự phòng nói chung và lĩnh vực vệ sinh nói riêng. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng, Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020. Các tiêu chí về vệ sinh cũng được đưa vào nội dung chỉ đạo của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chương trình Làng văn hóa sức khỏe và gần đây nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam hiện nay, môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên. Một số dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại.
Xác định việc phát động và triển khai phong trào một cách sâu rộng trong quần chúng thời điểm hiện nay, nhằm giải quyết những vấn đề vệ sinh là hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy những khó khăn thách thức và tồn tại, ngày 19-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730 về việc lấy ngày 2-7 hàng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, giao cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Thay mặt Đảng và Nhà nước chính thức phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu và tổ chức thực hiện tích cực, có hiệu quả của ngành y tế, những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng bằng nhiều phong trào. Nhiều chiến lược chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những việc làm được, cùng với những hạn chế, thói quen cũ chưa được khắc phục, ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, lễ phát động “Phong trào vệ sinh yêu nước” ngày hôm nay là hết sức có ý nghĩa. Đây là việc làm thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phong trào “Vệ sinh yêu nước”, đồng thời với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Chủ tịch nước kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng đồng bào cả nước ra sức thi đua, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, năng động, sáng tạo; làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của từng cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam...
(Theo TTXVN)