Chủ tịch nước kiểm tra việc bảo tồn Khu di tích Cố đô Hoa Lư
(BDO)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, khảo sát tại Đền thờ Vua Đinh. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 14-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình, nghe báo cáo về tình hình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Cùng tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Ninh Bình. Khu Khu Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Tháng 6/2014, UNESCO đã ghi danh quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trong đó Cố đô Hoa Lư thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của di sản.
Theo quy hoạch, vùng bảo vệ đặc biệt của Khu di tích Cố đô Hoa Lư có tổng diện tích 339 ha. Từ năm 2002, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt, triển khai thực hiện 6 dự án bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng Khu di tích với tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong công tác khảo cổ còn gặp một số khó khăn do phải đảm bảo yêu cầu vừa khai quật, vừa đảm bảo tính toàn vẹn của các di tích; việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích triển khai chậm, một số di tích đã xuống cấp, chưa thực hiện được vì kinh phí còn hạn hẹp.
Xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới; tỉnh Ninh Bình đề nghị Trung ương xem xét nâng cấp lễ hội Cố đô Hoa Lư thành lễ hội cấp Nhà nước; tổ chức lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 1050 năm thành lập nước Đại Cồ Việt vào năm 2018; hỗ trợ kinh phí để tôn tạo, ứng trước từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện; phục chế lại kinh thành Hoa Lư tại địa điểm công viên văn hóa và quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế tại thành phố Ninh Bình.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành, các nhà sử học đã đồng tình với chủ trương của tỉnh Ninh Bình trong việc tôn vinh xứng đáng vị thế, ảnh hưởng của cố đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc- nơi khởi nghiệp của 3 triều đại Đinh-Tiền Lê-Lý.
Các đại biểu đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển các dự án, đặc biệt là về văn hóa lịch sử; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch các khu danh thắng. Nhờ vậy, Ninh Bình đã hình thành nhiều khu du lịch văn hóa nổi tiếng, tạo thành quần thể có giá trị không chỉ ở Ninh Bình mà toàn vùng châu thổ sông Hồng.
Các đại biểu kiến nghị tỉnh cần có cơ chế đặc biệt như phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn; tiếp tục điều tra khảo sát quy hoạch bài bản theo khuyến nghị của UNESCO; không để tái diễn tình trạng đập đi xây mới di tích như tại một số địa phương khác. Các nhà khoa học cũng kiến nghị Ninh Bình cần có kế hoạch thám sát để phát hiện những giá trị tiềm ẩn, bổ sung những cứ liệu khoa học chưa từng được ghi trong sử sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, với thành tựu huy hoàng của các triều đại trước, di sản cố đô Hoa Lư để lại thật lớn lao, đòi hỏi các bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình phải khẩn trương rà soát lại để có kế hoạch tổng thể tôn vinh xứng tầm; đồng thời phải chặt chẽ, bài bản trong công tác bảo tồn.
Chủ tịch nước yêu cầu Ninh Bình thúc đẩy tiến độ triển khai, làm tới đâu, khai thác tới đó, nhưng phải tuân thủ đúng những yêu cầu về mặt sử học, kỹ thuật, mỹ thuật.
Qua tham khảo bài học kinh nghiệm của các tỉnh khác, Chủ tịch nước đề nghị Hội khoa học lịch sử Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, tham mưu tư vấn giúp tỉnh, tránh làm xong phải khắc phục vì sai sót.
Về kinh phí đầu tư 3.000 tỷ đồng cho các dự án, Chủ tịch nước gợi mở Trung ương sẽ hỗ trợ và có cơ chế khuyến khích; trên tinh thần chú trọng hiệu quả công việc.
Mặt khác, Ninh Bình cần có chính sách cởi mở, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư tham gia, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào các công trình, dự án cụ thể, nhanh chóng tạo ra diện mạo mới cho toàn thể danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của khu vực này sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, tạo ra những giá trị tích cực mới về kinh tế, xã hội, văn hóa cho địa bàn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh rà soát các dự án kinh tế-xã hội nói chung trên địa bàn theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10, tích cực thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm, tạo đà phát triển cho năm quan trọng trước thềm Đại hội Đảng các cấp.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đi thăm, khảo sát tình hình hoạt động của nhà máy lắp ráp ôtô Huyndai Thành Công nằm trong khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn./.
Theo TTXVN