Chủ tịch nước đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản

Thứ tư, ngày 30/05/2018

(BDO)  

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, trưa 30/5, tại thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn là thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Phòng Thương mại công nghiệp Nhật Bản (JCCI) và một số tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản lần này diễn ra đúng vào dịp hai nước đang thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, là thành viên của Keidanren, JCCI để cùng trao đổi về những giải pháp, chia sẻ những ý tưởng xây dựng không gian hợp tác kinh tế mới giữa hai nước hiệu quả hơn nữa là những hoạt động thiết thực nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế, thúc đẩy giao lưu kết nối doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản có bước phát triển mới.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Keidanren Sadayuki Sakakibara và Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Chemical Yoshimitsu Kobayashi đều bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nhật Bản trong không khí sôi nổi kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản; đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, bày tỏ tin tưởng quan hệ chính trị tốt đẹp giúp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư ngày càng phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc liên kết, xây dựng đối tác chiến lược có sự tin cậy cao là rất quan trọng; các tập đoàn kinh tế Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định liên kết kinh tế như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho rằng Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam đang phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 với GDP bình quân 6,5-7%/năm, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam luôn trân trọng những ý kiến đóng góp quý báu và sự hợp tác chặt chẽ từ Keidanren thông qua Đối thoại Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản. Đây là kênh quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam; góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy việc thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, trong đó đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Nhà nước Việt Nam xác định khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh, như xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, môi trường, tài chính, ngân hàng, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Nhà nước Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tập đoàn kinh tế Nhật Bản đầu tư, kinh doanh hiệu quả, ổn định, lâu dài tại Việt Nam./.

Theo TTXVN