Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh khóa v Võ Đông Điền: Tác giả ở Bình Dương rất yên tâm với đầu ra của tác phẩm...
Thứ sáu, ngày 29/01/2010
Sáng nay (29-1), đại hội chính thức Hội VHNT tỉnh lần VI (nhiệm kỳ 2009-2014) được tổ chức. Đại hội lần này được xác định là “Đại hội đoàn kết - đổi mới - sáng tạo - vì Bình Dương phát triển văn minh, giàu mạnh”. Để hiểu thêm phần nào những kết quả mà hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhiệm kỳ V...- Xin chào ông! Đầu tiên ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hội VHNT tỉnh trong nhiệm kỳ qua? - Hội VHNT Bình Dương là một tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp. Đến nay, hội đã phát triển được 7 chuyên ngành, bao gồm: văn học, văn nghệ dân gian, sân khấu, âm nhạc - múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và kiến trúc. Các chuyên ngành trên đây được chia thành 2 mảng: văn học và nghệ thuật. Trong nhiệm kỳ qua, mảng văn học đã phát huy được thế mạnh của văn hóa đọc, còn mảng nghệ thuật phát huy thế mạnh của văn hóa nghe nhìn. - Theo ông, để đẩy mạnh sự sáng tạo của hội viên nói riêng và sự phát triển của hội nói chung, cần phải làm gì? - Sự sáng tạo không phải do hội mang đến cho người sáng tác mà phải xuất phát từ niềm đam mê sáng tạo, từ sự xúc cảm trước cuộc sống, từ tài năng nghệ thuật và vốn sống thực tế của từng tác giả. Hội sẽ là nơi tạo mọi điều kiện thuận lợi để những yếu tố trên đây được phát huy một cách tốt nhất. - Trong dự thảo điều lệ sửa đổi bổ sung nhiệm kỳ VI của Hội VHNT tỉnh, ở phần mục tiêu hoạt động có bổ sung thêm một điểm mới, đó là “Phấn đấu cho một nền VHNT vừa mang bản sắc riêng của Bình Dương...”, vậy “bản sắc riêng của Bình Dương” ở đây là gì, thưa ông? - Trong cái chung phải có cái riêng. Mỗi một tác phẩm, mỗi một hoạt động VHNT là một viên gạch góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, là văn nghệ sĩ sinh ra, lớn lên và làm việc trên mảnh đất Bình Dương thì không thể không có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống về đất nước và con người Bình Dương. Chính những tác phẩm này sẽ làm cho nền VHNT tỉnh nhà mang bản sắc riêng của Bình Dương. - So với tốc độ phát triển kinh tế, hình như lĩnh vực VHNT của tỉnh nhà trong thời gian qua chưa phát triển tương xứng, ông suy nghĩ như thế nào về điều này? - Đúng là thời gian qua, văn nghệ sĩ tỉnh nhà chưa có những tác phẩm phản ánh một cách toàn diện và đầy đủ về quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ và sôi nổi ở Bình Dương. Nhưng, chưa có không có nghĩa là không có. Chúng ta chờ đợi ở thời gian tới. Một tác phẩm VHNT có giá trị không phải dễ xuất hiện trong một sớm một chiều. - Tìm đầu ra cho tác phẩm là yếu tố quan trọng giúp HV đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Trong thời gian qua, việc làm này đã được hội quan tâm như thế nào, thưa ông? - Đối với Hội VHNT Bình Dương, chưa có tác phẩm VHNT nào của HV đạt chất lượng tốt mà không có đầu ra. Tác phẩm văn học, văn nghệ dân gian thì được in ấn thành các tuyển tập chọn lọc (in riêng hoặc in chung nhiều tác giả). Tác phẩm âm nhạc, sân khấu thì tổ chức thực hiện thành các DVD, VCD phát sóng trên Đài PT-TH. Tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật thì được tham gia triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tạp chí VHNT Bình Dương phát hành đều đặn mỗi tháng một kỳ, là nơi đăng tải, giới thiệu tác phẩm của HV. Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh cũng luôn cần có tác phẩm mới để dàn dựng... Tôi nghĩ, đó là những đầu ra tốt cho những tác phẩm mới. Nói chung, các tác giả ở Bình Dương rất yên tâm với đầu ra của tác phẩm, chỉ ngại là tác phẩm của mình có được Hội đồng nghệ thuật thẩm định đạt đủ chất lượng để “cho ra” hay không thôi. - Xin cảm ơn ông! HỒNG THUẬN (thực hiện)