Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm “lấy dân làm gốc”

Thứ tư, ngày 30/01/2019

(BDO) “Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người khẳng định: “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong”. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học tôn trọng dân, thân dân, gần dân, vì dân phải được thấm nhuần triệt để từ lãnh đạo cấp cao đến mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ sở…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những quan điểm sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, coi quần chúng nhân dân là lực lượng lao động cơ bản của xã hội, là chủ thể sáng tạo nên lịch sử; coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và không có quần chúng nhân dân thì cũng không có lịch sử. Lịch sử và quần chúng nhân dân không tách rời nhau. Quần chúng nhân dân đóng vai trò là lực lượng quyết định sự thành bại của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử. Vai trò của quần chúng nhân dân ngày càng tăng lên trong lịch sử; quy mô, tầm vóc của các sự kiện lịch sử tùy thuộc vào lực lượng quần chúng tham gia vào rộng hay hẹp, nhiều hay ít...   

Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”. (Ảnh tư liệu)

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc” và nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” và do vậy “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người còn giải thích rõ: Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng và đưa sự nghiệp đó tiến lên. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Do đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Người căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, mỗi cán bộ trước hết là người “đày tớ của dân” nên phải hết lòng phục vụ nhân dân, đồng thời là người lãnh đạo hướng dẫn nhân dân nên phải có trí tuệ hơn người, biết nhìn xa trông rộng và phải gần gũi nhân dân.

Không chỉ đề cao vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ làm chủ của mỗi người dân; gắn thực hiện dân chủ với xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành kỷ cương, luật pháp của Nhà nước dân chủ. Dân chủ là một trong những quyền lợi căn bản mà sự nghiệp đấu tranh cách mạng mang lại cho nhân dân lao động, bởi vậy, thành quả đó cần được giữ gìn, bảo vệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955 (Ảnh: Tư Liệu)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự “lấy dân làm gốc”, cần phải luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu, phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình.

Song song đó là phải làm tốt công tác dân vận. Đối với công tác mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cho là đặc biệt quan trọng này, Người thường căn dặn cán bộ: Làm dân vận phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; không được lãnh đạo chung chung. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống dân, gắn bó với dân; tăng cường đối thoại với dân, trực tiếp gặp gỡ, hỏi han và bàn bạc với dân, để nghe dân nói, xem dân làm, thấy được cách sinh hoạt, làm việc, cuộc sống của dân và quan trọng hơn là đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của họ, biết họ đang nghĩ gì, cần cái gì, muốn cái gì, lo cái gì… Từ đó, đề ra hoặc sửa đổi, bổ sung chủ trương, chính sách làm cho ý Đảng, lòng dân thống nhất, hòa quyện với nhau. Mục đích của các hoạt động đó là nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các giai cấp, tầng lớp để tạo ra phong trào cách mạng sâu rộng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Người khẳng định: Khi đã được dân đồng tình, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công.

Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát huy quyền làm chủ của nhân dân là quan điểm có tính cách mạng và khoa học, là biện pháp tích cực của Đảng trong quá trình phát triển xã hội theo nguyên tắc “lấy dân làm gốc”. Việc mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... đã và đang phát huy vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải thực hiện dân chủ với dân để phát huy tinh thần làm chủ của dân là cốt lõi của vấn đề dân là gốc. Người thường nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ”. Theo Người, để thực sự “lấy dân làm gốc”, chúng ta cần tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; làm tốt công tác dân vận và nâng cao trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Trong điều kiện hiện nay, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được coi là một biểu hiện tập trung của tư tưởng “lấy dân làm gốc”, là một yếu tố bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những kỳ tích của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được trong những giai đoạn cách mạng trước đây đều xuất phát từ đường lối “lấy dân làm gốc”. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc”, hay thực hiện nó một cách hời hợt, hình thức, thiếu triệt để. Điều quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, nó phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; phải tôn trọng nhân dân, vừa lãnh đạo vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa giáo dục vừa không ngừng học hỏi nhân dân; phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ; phải sống chan hòa với nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhân dân, phải xây dựng cho mình tác phong, thái độ và hành động đúng với vị trí, vai trò của mình.

Bên cạnh đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thống lịch sử dân tộc hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Muốn thế, trước tiên phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc tết các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài Tết Mậu Tuất 2018.
(Ảnh: TTXVN)

 “… Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức…”

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2018 của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

 

NHẬT HUY