Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thân thế và sự nghiệp
Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh (19.5.1890 - 19.5.2012), báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu tóm tắt đôi nét về thân thế và sự nghiệp của Người - một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội.
Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911 Người đã rời cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh) sang Pháp và các nước phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc.
Từ năm 1912 đến năm 1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động, Người thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Người đã hoạt động tích cực nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc giành tự do, độc lập.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vesailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và Người bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Người khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới là con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4-1922, hội ra báo “Người cùng khổ “ (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Người đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, Người làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Tháng 10-1923, tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Người là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Người tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Người kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước đang sống ở Quảng Châu, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Nam, các bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Berlin (Đức), đi Bruxell (Bỉ) tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á. Năm 1929, những tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long gần Hương Cảng, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hội nghị của Đảng tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương), đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cao trào cách mang 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hong Kong. Đây là một thời kỳ sóng gió trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Mùa xuân năm 1933, Người được trả tự do. Từ năm 1934 đến 1938, Người nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Matxcova. Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục theo dõi chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.
Ngày 28-1-1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ khi qua biên giới, Người vô cùng xúc động. Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Tháng 8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam, thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian 13 tháng bị tù, Người đã viết tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9-1943, Người được trả tự do. Tháng 9-1944, Người trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12-1944, Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc chiến tranh Thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước đồng minh. Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tháng 8-1945, Người lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. (Còn tiếp)
H.D (tổng hợp)