Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương Lý Ngọc Minh: “Festival gốm sứ là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường, thị hiếu, nhu cầu của người dân trong nước...”

Thứ hai, ngày 30/08/2010

 Trong không khí chuẩn bị Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 diễn ra vào đầu tháng 9, ông Lý Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã có những chia sẻ thú vị về niềm đam mê gốm sứ, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ độc đáo có thể xem như những tuyệt tác của ngành gốm sứ...

 Ông Minh cho biết, đến thời điểm này đã có 7 tác phẩm của các làng nghề khắp nơi gửi hồ sơ đăng ký tham gia sản phẩm gốm sứ đạt kỷ lục tại Festival lần này. Ông cũng tin tưởng sẽ có nhiều tác phẩm đạt được yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật cao ra mắt du khách tham quan. Lần này, ông Minh sẽ đem trưng bày 3 sản phẩm khá ưng ý của Minh Long, đó là chiếc chén ngọc Văn Lang, chiếc cúp Hồn Việt và cúp Sen vàng.

- Ông có thể giới thiệu vài nét về 3 tác phẩm này?

- Chiếc chén ngọc Văn Lang là “chị em song sinh” với chén ngọc Thăng Long dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy dáng vẻ nhìn hao hao nhưng họa tiết hoa văn và câu chuyện kể trên tác phẩm lại hoàn toàn khác. Chén ngọc Văn Lang với tái hiện thời kỳ dựng nước của vua Hùng, đời sống thanh bình của người Việt, tên gọi của tác phẩm gợi cảm hứng từ một trong những thời kỳ phồn thịnh nhất của nước ta. Tác phẩm có chiều cao 80cm, miệng chén rộng 74cm, trọng lượng 20kg được điểm tô thêm họa tiết bằng vàng 24K.

Tác phẩm thứ hai là chiếc cúp mang tên “Hồn Việt” được vẽ họa tiết sen theo lối cách điệu tượng trưng. “Hồn Việt” được hội tụ trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, như: Chùa Một Cột, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, chùa Thiên Mụ, vịnh Hạ Long... Mặt bên kia của chiếc cúp tả đời sống của người dân Việt Nam. Tác phẩm này nặng 60kg, cao 1m, đường kính khoảng 8 tấc. Với kích thước lớn mà phần eo rất nhỏ, đường cong lả lướt, mềm mại nên tạo được nét quý của chiếc cúp.

Tác phẩm thứ ba là cúp Sen Vàng có chiều cao 90cm, miệng và hông cúp rộng 90cm, nặng hơn 40kg là chiếc cúp to nhất từ trước đến nay. Cúp được mạ vàng 24K.

- Các tác phẩm có nét đặc sắc gì về nghệ thuật chế tác không, thưa ông?

- Về chiếc chén ngọc thì điểm độc đáo là ở chỗ được phủ một lớp men ngọc có màu xanh tự nhiên, trong và tuyệt nhiên không dùng màu. Độ sáng và độ trong khó có sản phẩm nào có thể sánh được, không tì vết, bụi bẩn. Một đội nghệ nhân hơn 20 người làm từ công đoạn này đến công đoạn khác. Nhóm tạo phôi chỉ chuyên tâm làm sản phẩm này, làm hư rồi tự nghiên cứu làm đi làm lại, làm sao cho khi đưa chiếc chén đặt lên trên chân linh vật bên dưới không bị sụm, nghiêng, bản thân chiếc chén khi còn ở chất liệu sống khi co lại không bị méo. Chân linh vật phải trám nguội bên trong sao cho giải nhiệt trước... Khâu tạo hình 3 cái dính lại và cân bằng không nghiêng bên nào thật sự là một kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều công phu và bí quyết. Chúng tôi nung lên đến 1.380 độ và nung nhanh.

Về họa tiết, hoa văn có hẳn một đội vẽ khoảng 50 người. Ở cúp vàng “Hồn Việt” hay chén ngọc “Văn Lang” hai bên đều có hai linh vật chầu. Đối với tác phẩm chén ngọc ở dưới đế lại có 3 linh vật cùng gánh vác sơn hà tạo nên thế kiềng 3 chân vô cùng vững chãi. Con linh vật này là sự kết hợp hình tượng giữa con rồng và phượng, lấy cảm hứng từ cổ vật đầu chim lạc khai quật từ khu Hoàng thành Thăng Long. Tôi nghĩ rằng đây là một sự sáng tạo, đột phá mới, bởi từ trước tới nay người ta chỉ sao chép, bắt chước hình tượng những linh vật long, lân, quy, phụng theo phiên bản truyền thống. Tại sao Singapore có con sư tử mình cá đặc sắc như vậy trong khi Việt Nam cũng có rất nhiều hình tượng linh thiêng tuyệt đẹp và mang ý nghĩa sâu sắc?! Từ trăn trở đó, chúng tôi đã ghép rồng phượng, được nhân cách hóa bằng cách lấy phiên bản đầu rồng thời Lý Trần ghép với phượng là giòng tiên.

Một điều lưu ý là đồ gốm không co rút nhiều, nung ở nhiệt độ rất thấp thôi nhưng với các sản phẩm này thì chúng tôi làm được và có thể tự hào là một kỹ thuật cao mà đến nay trên thế giới (kể cả Đức, Nhật...) chưa làm được.

- Thưa ông, việc cho ra đời 3 sản phẩm kỳ công nói trên bắt nguồn từ cơ duyên nào?

- Chuyện ra đời của những sản phẩm đặc biệt này là một điều hữu duyên và may mắn, bởi từ trước chúng tôi không nghĩ là sẽ có tổ chức Festival Gốm sứ. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay là giai đoạn nước rút hoàn thiện sản phẩm để mang đến cho công chúng một sự bất ngờ về sản phẩm gốm sứ Việt. Đây cũng là niềm tự hào của riêng bản thân tôi khi ngành nghề gốm sứ truyền thống của Việt Nam có được cơ hội để giới thiệu nét đẹp riêng đến với công chúng, tự hào hơn khi ngành gốm sứ Việt Nam có những bước tiến nhất định khi so sánh với bạn bè các nước. Ý nghĩ tạo ra các tác phẩm gốm sứ độc đáo đã hình thành từ lâu, phải hơn 5 năm trước nhưng đó chỉ xuất phát từ niềm đam mê chứ tôi không nghĩ là sẽ như thế nào!

- Theo ông, Festival lần này có ý nghĩa như thế nào?

- Festival Gốm sứ lần này trước hết là để công chúng Việt Nam tận mắt nhìn thấy rất nhiều loại sản phẩm gốm sứ khác nhau của Việt Nam mà bình thường họ không có cơ hội thấy được, gồm các sản phẩm kỷ lục, các sản phẩm thuộc dòng xuất khẩu, các sản phẩm ở những làng nghề khác nhau... Đây cũng là cơ hội để DN trong nước tiếp cận với thị trường, thị hiếu, nhu cầu của người dân trong nước để có sự điều chỉnh hướng kinh doanh sao cho phù hợp. Tôi gọi đây là cơ hội quay về sân nhà của DN, bởi muốn hội nhập với thế giới thì trước tiên DN phải tự chủ trong chính căn nhà của mình. Đây cũng là cách đưa DN xuất khẩu quay về phục vụ nhu cầu trong nước theo chủ trương của Đảng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Xin cảm ơn ông!

TRUNG ĐỒNG (thực hiện)