Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ Lê Phước Vũ: Tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước rất lớn
Nhằm nâng quan hệ thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ lên một tầm cao mới, xứng với tiềm năng của 2 nước, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Ấn Độ đã chính thức được thành lập. Để tìm hiểu thêm về diễn đàn này, P.V Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen.
- Xin ông cho biết mục đích của việc thành lập Diễn đàn DN Việt Nam - Ấn Độ?
Diễn đàn được thành lập nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ vì lợi ích của cộng đồng DN 2 nước. Trọng tâm của diễn đàn là tạo cơ chế nhằm phục vụ cho việc thảo luận về những vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư, đồng thời tạo cơ hội cho các DN Việt Nam và Ấn Độ tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Chính phủ. Diễn đàn còn là nơi để khu vực tư nhân đưa ra ý kiến đóng góp về những chính sách có liên quan đến thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng sẽ tạo kênh đối thoại giữa các cộng đồng DN với Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao quyết định thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ cho ông Lê Phước Vũ (bên trái)
- Với vai trò là chủ tịch diễn đàn, ông có thể cho biết định hướng, kế hoạch của diễn đàn này trong thời gian tới?
- Sáng kiến thành lập Diễn đàn DN Việt Nam - Ấn Độ của VCCI dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, là một sáng kiến đáng hoan nghênh, tuy không sớm. Tôi tin tưởng rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ được thành lập cùng với sự quan tâm của các Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tạo điều kiện đặc biệt cho các DN giao lưu, tìm hiểu, học hỏi. Tôi cũng chắc chắn rằng với cơ chế hoạt động như vậy thì doanh nhân, DN của hai nước sẽ tìm đến với nhau nhiều hơn, thiết lập được mối quan hệ kinh doanh. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ đang hướng theo thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng lên với tốc độ khá cao trong những năm tới và nền kinh tế của chúng ta sẽ thu được nhiều lợi ích từ những mối quan hệ trên. Với vai trò là Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam - Ấn Độ, tôi và các Phó Chủ tịch cùng Ban Cố vấn diễn đàn sẽ có những sáng kiến, tạo ra các cuộc giao lưu để tìm cơ hội hợp tác tại Ấn Độ.
- Theo ông, DN Ấn Độ hiện có thế mạnh gì?
- DN Ấn Độ hiện có thế mạnh trên rất nhiều lĩnh vực, từ nông sản, thực phẩm, dệt nhuộm đến công nghệ cao như chế tạo cơ khí, công nghệ thông tin. Họ có bề dày kinh nghiệm trong một thời gian dài so với các DN Việt Nam. Với lợi thế của một đất nước có gần 1,2 tỷ dân, lớn thứ hai trên thế giới, DN Ấn Độ có một thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn. Đồng thời, với vị trí địa lý là một quốc gia Nam Á giáp Ấn Độ Dương, các DN Ấn Độ có thuận lợi xuất khẩu đi hầu hết các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ.
- Lĩnh vực nào có tiềm năng nhất mà DN trong nước có thể hợp tác với DN Ấn Độ?
- Tại Ấn Độ, DN của chúng ta có thể phối hợp làm ăn ở nhiều ngành như dệt nhuộm, ngành thép, ngành thủy điện, lĩnh vực nông nghiệp, CNTT, ngành du lịch, đặc biệt là về du lịch tâm linh. Tất cả những lĩnh vực đó đều vô cùng tiềm năng.
- Ông có thể cho biết, Tập đoàn Hoa Sen đã có sự hợp tác nào với Ấn Độ chưa, thành công đến đâu?
- Đối với thị trường Ấn Độ, chúng tôi đã nhập khẩu thiết bị từ Ấn Độ 3 dây chuyền cán nguội, từ Công ty CMI FBE tại Mumbai. Chúng tôi có thể khẳng định, những nhà máy sản xuất máy cán nguội trên thế giới rất ít. Do đó, Ấn Độ có thể tự hào vì có một trong những công ty với trình độ kỹ thuật rất cao và chất lượng rất tốt, không thua gì Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Công ty chúng tôi ngay từ dây chuyền đầu tiên đã được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Ấn Độ và hiện nay chúng tôi đã mua thêm 2 dây chuyền nữa. Điều đó khẳng định được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và nhân dân Ấn Độ cũng như khẳng định chất lượng của máy móc từ Ấn Độ.
- Xin cám ơn ông!
TRUNG ĐỒNG (thực hiện)
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 5 tỷ USD vào 2015
Theo VCCI, gần đây kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như thời điểm năm 2006, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt gần 1,02 tỷ USD; năm 2007 đạt 1,53 tỷ USD; năm 2008 đạt 2,48 tỷ USD và năm 2010 đạt 2,755 tỷ USD. Hiện Ấn Độ đang giữ vị trí 11 trong số các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 2 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ đạt hơn 1,3 tỷ USD và xuất khẩu từ Việt Nam là 739 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, Ấn Độ có 9 dự án đầu tư mới tại Việt Nam với tổng vốn 11,2 triệu USD. Một số dự án đầu tư của Ấn Độ như: Nhà máy cà phê hòa tan tại tỉnh Đắc Lắc, Nhà máy chế tạo bột than đen tại Vũng Tàu, Nhà máy chế biến thức ăn gia cầm tại Tây Ninh... 2 nước cũng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD vào năm 2015.
K.TÂN