Chữ “sư” nặng lắm!
(BDO) Gần đây, mạng xã hội xôn xao với video clip ghi lại cảnh một cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị nhóm học sinh lớp 7 chốt cửa, dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu khiến cô ngất xỉu tại chỗ. Điều gây bức xúc dư luận là dù các em còn rất nhỏ tuổi nhưng có những lời nói, hành vi hỗn hào với chính cô giáo của mình, một số em còn cười đùa, hò reo khi thấy cô giáo gặp nạn.
Việc học sinh có hành vi, lời nói xúc phạm, đe dọa giáo viên giờ đây không còn là điều hiếm thấy trong môi trường học đường. Trước đó, mạng xã hội cũng đã lan truyền nhiều video clip với hình ảnh học sinh có lời nói, cử chỉ thiếu tôn trọng đối với giáo viên. Các sự việc đều gây bức xúc trong dư luận xã hội và có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Nhiều người cho rằng, học sinh hỗn hào với giáo viên là những ảnh hưởng từ gia đình. Cũng có người cho rằng nó xuất phát từ những cư xử có thể chưa thấu đáo của một số giáo viên khiến tính cách và cư xử thường ngày theo thói quen của các em bộc phát ngay trước mặt giáo viên. Và, cũng có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ sự nuông chiều của xã hội khi cho học sinh rất nhiều quyền và tất cả lỗi đều đổ lên đầu giáo viên.
Tôi còn nhớ cách đây hơn 30 năm, trong ánh mắt của lứa học sinh cấp 1 trường làng chúng tôi, các thầy cô giáo là những người rất đáng kính và gần gũi. Chính vì vậy, khi thấy thầy cô giáo từ xa, dù đang đạp xe nhưng chúng tôi vẫn phải đưa tay lên lấy mũ xuống, khép tay ngang ngực và cúi người thật thấp để chào. Hành động tuy đơn giản thôi nhưng chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì thể hiện được tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Chắc hẳn thầy cô giáo của chúng tôi ngày ấy cũng sẽ cảm thấy rất vui với hành động này của chúng tôi khi thầy cô luôn nở nụ cười đáp lại.
Nhắc đến chuyện xưa để nói rằng, dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy phải luôn đẹp và đáng được kính trọng. Đương nhiên là cũng có một vài trường hợp ngoại lệ làm “rầu nồi canh”. Nói như vậy để thấy rằng chữ “sư” nặng lắm. Với người thầy, nó nặng ở việc phải luôn giữ gìn hình ảnh cao đẹp, đáng quý của những người làm nghề “trồng người”. Với học sinh, nó nặng ở việc phải tôn kính những người đã yêu thương, dạy bảo, làm đầy đặn hành trang kiến thức của mình trên con đường đi đến tương lai. Chỉ khi cả thầy và trò cùng tìm thấy điểm chung, chữ “sư” được đặt lên ở vị trí trang trọng thì mới không có những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.
ĐÀ BÌNH