Chủ sở hữu tài sản
(BDO) Hỏi: Dì tôi mua một căn nhà nhưng để cho người con đứng tên. Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, dì tôi lại lập một giấy ủy quyền với nội dung: Căn nhà nói trên là do bà bỏ tiền ra mua và bà chỉ ủy quyền cho người con đứng tên trong hợp đồng mua nhà và trong tờ ủy quyền cũng nêu rõ là người con chỉ được quyền sử dụng căn nhà chứ không được bán. Xin hỏi người con của dì tôi có được quyền bán căn nhà đó không?
VÕ THỊ PHƯƠNG MAI (TX.Thuận An)
Trả lời: Điều 164 BLDS quy định: Chủ sở hữu là người có đủ 3 quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản mà mình là chủ sở hữu.
Dì của bạn mua nhà nhưng không đứng tên mà để cho người con đứng tên. Như vậy, xét về bản chất thì hợp đồng mua bán nhà do người con thực hiện là hợp đồng giả tạo. Do vậy, theo Điều 129 BLDS thì hợp đồng này sẽ vô hiệu. Song, để hợp đồng giả tạo này có thể bị tuyên là vô hiệu thì cần phải có chứng cứ chứng minh điều đó, nhưng theo tình tiết đã nêu thì chứng cứ này không thuyết phục vì không có dấu hiệu nào cho thấy sự thông đồng để xác lập hợp đồng giả tạo này giữa dì bạn và người con và giấy ủy quyền lại được lập sau khi hợp đồng mua bán nhà được hoàn tất.
Do đó, dì bà muốn trở thành chủ sở hữu căn nhà nói trên thì dì bà phải tiến hành lại các thủ tục mua bán theo quy định của pháp luật; đồng thời phải đứng tên trong hợp đồng mua bán đó cũng như hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu căn nhà theo đúng quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, hợp đồng mua bán nhà do người con đứng tên vẫn có hiệu lực và nếu người con đã hoàn tất thủ tục mua bán và đã đăng ký quyền sở hữu thì người con chính là chủ sở hữu của căn nhà nói trên. Theo Điều 164 BLDS, người con có toàn quyền bán căn nhà nói trên.
Luật gia XUÂN LẠC