Chủ động ứng trực, phòng chống bệnh truyền nhiễm dịp tết

Thứ tư, ngày 24/01/2024

(BDO) Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành y tế tỉnh tập trung giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, các địa phương bố trí lực lượng, ứng trực cấp cứu 24/24 giờ và khám, chữa bệnh cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.


Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên tăng cường y, bác sĩ ứng trực 24/24 giờ trong dịp tết

Ứng trực 24/24 giờ

Những ngày gần tết, cùng với công việc chuyên môn hàng ngày, các cơ sở y tế trong tỉnh còn xây dựng kế hoạch, lịch trực tết. Các kế hoạch được xây dựng cụ thể đến từng điều dưỡng viên, bác sĩ trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng không thể về nhà, ở lại trực có một cái tết ấm áp ngay tại bệnh viện. Công tác chuyên môn, khám, chữa bệnh của nhân viên y tế trong 7 ngày tết cũng được bảo đảm để không một bệnh nhân nào bị từ chối điều trị, khám bệnh.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm nay bệnh viện bố trí cả bác sĩ, điều dưỡng viên bảo đảm công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh và an ninh trật tự tại bệnh viện. Một số khoa trọng điểm bố trí bác sĩ, điều dưỡng ứng trực bệnh nhân kịp thời 24/24 giờ, như: Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa và đề phòng khi có ngộ độc tập thể… Khoa Dược chuẩn bị, dự trù cung cấp cơ số thuốc cấp cứu và điều trị trong dịp tết. Ngoài ra, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ máu, các chế phẩm của máu, các trang thiết bị khác, như: Điện, nước, xe vận chuyển bệnh nhân nội viện, đội trực xe cứu thương, bảo đảm thông tin thông suốt, hệ thống mạng nội bộ hoạt động tốt, bảo đảm việc thu viện phí, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự… để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Mai Trinh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên, cho biết như mọi năm, bệnh viện thường xuyên có kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng viên ứng trực 24/24 giờ… Theo kinh nghiệm, mùng 3 tết trở đi là thời điểm lượng bệnh nhân cấp cứu bắt đầu tăng lên. Đa số bệnh nhân nhập viện do tai nạn có sử dụng rượu, bia. Trong tết, mỗi ngày tại bệnh viện có nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, điều trị cho bệnh nhân, bảo đảm tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám, điều trị kịp thời, không để xảy ra tình trạng từ chối hoặc xử trí chậm trễ khi cấp cứu bệnh nhân. Bệnh viện dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao… bảo đảm phục vụ, tuyệt đối không để bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài.

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm dịp tết

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12-2023, thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11-2023; các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Hiện nay, biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số ca mắc, nhất là trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Tại tỉnh Bình Dương, trong năm 2023, đã ghi nhận 1.838 ca mắc Covid-19 (có 2 trường hợp tử vong). Trong những tuần đầu năm 2024, Bình Dương đã ghi nhận 2 trường hợp mắc Covid-19. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết sở vừa có văn bản gửi các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố về việc phối hợp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm công tác y tế đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca bệnh ngay trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh tại các địa phương thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024; hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo”.

“Hiện có rất nhiều dịch bệnh khiến chúng ta mắc bệnh, nhập viện. Vắc-xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra. Vắc-xin là một vũ khí chiến đấu sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh và giúp ngăn ngừa bệnh lây lan cho người khác”.

(Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

KIM HÀ