Chủ động ứng phó với thiên tai

Thứ sáu, ngày 06/11/2020

(BDO) Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.


Sau khi hoàn thành, cống ngăn triều trên rạch Bình Nhâm (TP.Thuận An) sẽ góp phần vào công tác chống ngập do triều cường

Sẵn sàng ứng phó

Theo Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra vào thời kỳ chuyển mùa. Mưa lớn, triều cường gây ngập nhà cửa, hoa màu và đường giao thông chủ yếu xảy ra vào mùa mưa và các tháng cuối năm.

Trước tình hình trên, BCH PCTT-TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Nói về công tác này, ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: “Thời gian qua, Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định; đồng thời theo dõi, cập nhật chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn để kịp thời tham mưu cho BCH PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương kịp thời xử lý các tình huống thiên tai. BCH PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng tránh dông lốc, mưa đá và sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Trước mùa mưa bão, BCH PCTT-TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi, đê bao và hệ thống thoát nước nhằm kịp thời khắc phục, sửa chữa những hạng mục hư hỏng để bảo đảm công trình hoạt động an toàn. BCH cũng chỉ đạo UBND các xã, phường có công trình thủy lợi phối hợp với đơn vị quản lý triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, nhất là các vị trí đê bao xung yếu. Chính quyền địa phương còn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, kênh rạch. Công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin về kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai đến đông đảo người dân cũng được các ngành chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên. UBND tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia PCTT” năm 2020 bằng nhiều hoạt động thiết thực, qua đó góp phần nâng cao khả năng PCTT trong cộng đồng dân cư. Theo đánh của BCH PCTT-TKCN tỉnh, nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên mà thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể so với trước đây.

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, mùa mưa năm nay kết thúc vào khoảng giữa tháng 11 với tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông còn khoảng từ 2 đến 4 cơn, trong đó có khoảng 1 đến 2 cơn ảnh hưởng đến khu vực phía Nam. Sau đợt giảm mưa và thời gian bão, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông cần đề phòng dông mạnh kèm theo tố lốc, sét. Triều cường trên sông Sài Gòn tại trạm Thủ Dầu Một (cảng Bà Lụa) dự báo đạt 1,62 - 1,67m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,03 - 0,08m, xuất hiện vào kỳ triều cường cuối tháng 11 và 12.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong các tháng cuối năm, Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm đến các phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, lốc xoáy và xả lũ của các hồ chứa. Quán triệt công tác chỉ đạo với mục tiêu phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư và phương tiện, hậu cần tại chỗ). Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến đông đảo người dân, nhất là người dân ở khu vực trũng thấp, ven sông và hạ lưu các hồ chứa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan.

Các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức an toàn các công trình thủy lợi, đê bao PCTT do địa phương quản lý; có kế hoạch chủ động ứng phó khi có sự cố và bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du. Chủ động bố trí nguồn kinh phí được phân cấp để gia cố, cơi đắp các đoạn đê bao xung yếu, đồng thời nạo vét, khai thông dòng chảy các kênh, rạch và công trình thoát nước trên địa bàn nhằm hạn chế ngập lụt.

Theo ông Vũ Ngọc Thìn, để hạn chế thiệt hại do thiên gây ra đến mức thấp nhất, các địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã, để chủ động ứng phó tại chỗ ngay giờ đầu khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra. Chủ động huy động các nguồn nhân lực của địa phương để làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên gây ra.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 đợt thiên tai, khiến 2 người bị thương nhẹ, 64 căn nhà tốc mái, gãy đổ 28,6 ha cây cao su, thiệt hại 96,73 ha lúa… Ước tính tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 5,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, thiệt hại về người tăng, thiệt hại về tài sản giảm hơn 14 tỷ đồng. BCH PCTT-TKCN các địa phương đã phối hợp huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp hiện trường, sửa chữa nhà cửa, đưa người bị thương đến cơ sở y tế; gia cố bờ bao xung yếu có nguy cơ bị tràn, bể; phân luồng giao thông…

 NGUYỄN HẬU