Chủ động ứng phó với dịch bệnh Ebolal
(BDO) Bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trưởng và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 6-8-2014 đã ghi nhận 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của virus Ebola.
Hiện nay, bệnh do virus Ebola vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Mặc dù Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Ebola song cần phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan; đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ: Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải,Công an, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố để chủ động phòng, chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn, ngăn ngừa có hiệu quả sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Có phương án cách ly, thu dung và điều trị bệnh nhân bảo đảm không để lây lan dịch bệnh cho cán bộ y tế và cho cộng đồng, hạn chế thấp nhất số tử vong. Bảo đảm cấp đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Chiều 10-8, trao đổi với chúng tôi về vấn đề ứng phó với dịch Ebola, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bình Dương là tỉnh có nhiều chuyên gia, lao động nước ngoài đến làm việc và giáp với TP.HCM nên rất đáng lo ngại về dịch bệnh. Trong tuần qua, sở tập trung chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố, trạm y tế các xã, phường đồng loạt thực hiện ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, tuyên truyền về sốt xuất huyết, tay chân miệng. Việc triển khai phòng chống dịch Ebola sẽ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo sở sẽ bàn bạc vào phiên họp giao ban đầu tuần sáng nay (11-8).
Q.NHƯ