Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, tình hình thời tiết năm nay diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra hiện tượng mưa lớn cực đoan, lốc xoáy là rất cao. Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa năm nay, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
(BDO) Một điểm sạt lở trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Xuất hiện mưa lớn, gây ngập cục bộ
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 7 này thời tiết khu vực Bình Dương có mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông; vào các ngày của nửa cuối tháng 7 có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; lượng mưa dự báo đạt khoảng 200 - 300mm.
Ghi nhận của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh cho thấy, từ 7 giờ ngày 18-7 đến 7 giờ ngày 19-7-2017, trên địa bàn tỉnh lượng mưa lớn nhất đo được tại trạm của Chi cục Thủy lợi đạt 119,8mm, tại trạm Sở Sao 80,8mm, tại trạm Bàu Bàng 61,4mm… Mưa lớn đã gây ngập một số tuyến đường tại các phường Tương Bình Hiệp, Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Hòa của TP.Thủ Dầu Một, làm ảnh hưởng giao thông đi lại. Cụ thể, đường Hồ Văn Cống (phường Tương Bình Hiệp) ngập dài 200m, từ cơ sở sản xuất sơn mài Năm Luông đến quán Vịt Cu Chì, với độ ngập sâu 20 - 30cm; đường Thích Quảng Đức đoạn ngã ba cống ngập dài khoảng 100m, với độ ngập sâu 10 - 20cm; đoạn đầu tuyến đường Phạm Ngũ Lão nối dài (phường Hiệp Thành) ngập dài 100m, với độ ngập sâu 20 - 40cm…
Sớm khắc phục tình trạng sạt lở ven sông
Số liệu thống kê của BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết sông Sài Gòn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 112km. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện dọc tuyến sông này có 39 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 36 điểm xuất phát từ các năm trước, 3 điểm mới xuất hiện trong năm 2016. Trong khi đó, sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh có 21 điểm sạt lở, trong đó có 18 điểm sạt lở cũ từ những năm trước và 3 điểm sạt lở mới trong năm 2016. Hiện nay, bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên có 169 hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có 139 hộ dân thuộc diện cần di dời.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở được ngành chức năng xác định là do xâm thực bởi triều cường, mưa lũ, hoạt động khai thác cát trái phép dưới lòng sông… Trên thực tế, tình trạng sạt lở bờ sông bắt đầu từ năm 2000. Từ năm 2005, UBND tỉnh đã đình chỉ các hoạt động khai thác cát trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép vẫn diễn ra lén lút, cùng với ảnh hưởng của dòng chảy tự nhiên và hoạt động của các bến thủy nội địa nên một số điểm đã sạt lở vẫn tiếp tục sạt lở thêm và phát sinh một số điểm sạt lở mới.
Nhằm khắc phục và hạn chế sạt lở bờ sông, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với UBND các địa phương Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một tăng cường kiểm tra, đình chỉ và nghiêm cấm người dân không xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Sài Gòn. Đối với sông Sài Gòn và sông Thị Tính, tình trạng sạt lở bờ sông chủ yếu ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đất trống. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và có biện pháp ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép; có kế hoạch trồng một số loại cây chắn sóng như tầm vông, tre, trúc… để giữ bờ, chống sạt lở.
Chuẩn bị tốt các phương án ứng phó
Mùa mưa năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa dông cùng lốc xoáy có khả năng xảy ra. Chính vì thế, các cấp, các ngành vàđịa phương trong tỉnh cần chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (phương tiện tại chỗ; lực lượng tại chỗ; bảo đảm chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn, Phó trưởng ban BCH PCTT&TKCN tỉnh, cho biết để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa năm nay, ban chỉ huy đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và cách phòng tránh, ứng phó thiên tai; chủ động thông báo tình hình diễn biến thiên tai kịp thời đến các địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng chống thiên tai theo quy định; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão, tình hình thủy văn, mực nước các sông chính và các hồ chứa quốc gia.
BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục bổ sung, cập nhật hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”; kiểm tra, xử lý các trường hợp san lấp dòng chảy, lấn chiếm hành lang sông, suối, kênh rạch, bảo đảm an toàn công trình và phát huy tối đa hiệu quả công trình thoát lũ trên địa bàn quản lý. Đối với TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm ven sông Đồng Nai có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở đến nơi ở mới an toàn, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Để giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Đối với các công trình giao thông qua vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, phải có phương án thiết kế, cải tạo nâng cấp không ảnh hưởng đến khu dân cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra các khu vực đường xung yếu để bảo đảm giao thông thông suốt khi có sự cố thiên tai. Sở Giao thông - Vận tải cũng cần chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục sự cố đểgiao thông trong thời gian nhanh nhất. ..
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 công trình hồ chứa thủy lợi (không có hồ thủy điện), trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 5 hồ chứa, các doanh nghiệp tư nhân quản lý 3 hồ chứa. Các hồ chứa đều có dung tích nhỏ (dưới 10 triệu m3); hạ lưu các hồ chứa là vùng trũng thấp, không có dân cư sinh sống, chỉ có đất sản xuất nông nghiệp. Nhằm bảo đảm an toàn công trình hồ, đập chứa nước do tỉnh quản lý, hàng năm trước mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi tỉnh và đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi đều tổ chức thực hiện kiểm tra an toàn các công trình. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các hồ, đập đều hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2017; có một số hạng mục bị hư hỏng nhỏ không ảnh hưởng đến an toàn công trình đang được đơn vị quản lý khai thác thực hiện sửa chữa.
QUỲNH NHIÊN