Chủ động trong “cuộc chiến” với tội phạm ma túy - Bài 1

Thứ năm, ngày 14/03/2024

(BDO) Bài 1: Cần sự chung tay của chính quyền và người dân

Phấn đấu kéo giảm số người nghiện, tăng số địa phương không có ma túy là mục tiêu mà Bình Dương đặt ra trong thời gian tới nhằm từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng dân cư. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở và sự chung tay của người dân.


Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tuyên truyền về tác hại của ma túy cho học sinh, học viên các trường nghề, đây là đối tượng dễ bị lôi kéo vì tò mò. Ảnh: CABD

Số vụ bị phát hiện tăng cao

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, nhiều địa phương đồng loạt lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là công tác được thực hiện thường xuyên nhằm từng bước kéo giảm số người nghiện trong cộng đồng dân cư cũng như thực hiện có hiệu quả về tăng cường, nâng cao công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh theo Chương trình số 128-CTR/ TU ngày 9-3-2020 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 36- CT/TW ngày 16-8-2029 của Bộ Chính trị về công tác này .

Theo báo cáo 3 năm thực hiện Chương trình số 128- CTR/TU ngày 9-3-2020 của Tỉnh ủy (gọi tắt là Chương trình 128), toàn tỉnh đã phát hiện, triệt xóa 2.565 vụ ma túy, tăng 24,5% so với liền kề; bắt 4.899 đối tượng, tăng gần 45%; thu giữ hơn 104kg ma túy các loại, tăng gần 500%. “Bình Dương vẫn được xác định là địa phương tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để sản xuất trái phép chất ma túy”, báo cáo nhận định.

Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, cho rằng điều đáng lưu ý hiện nay là đối tượng phạm tội về ma túy ở Bình Dương có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trong đó đối tượng là thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao; phần lớn các đối tượng xuất phát là người nghiện, thường xuyên sử dụng ma túy nên khánh kiệt về kinh tế cũng như lợi nhuận từ việc mua bán ma túy trái phép lớn nên các đối tượng phạm tội đều manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả gây khó khăn, nguy hiểm cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Trong 3 năm qua, khi triệt xóa các chuyên án ma túy, lực lượng chức năng đã thu giữ 24 khẩu súng, 65 viên đạn, 2 quả lựu đạn của các đối tượng.

Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy được nhận định là có chiều hướng gia tăng, lan rộng ra tất cả các huyện, thị, thành phố. Nếu như tính đến tháng 2-2020 cả tỉnh có 3.296 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến năm 2021 số người nghiện là 3.610; đến năm 2022 giảm xuống còn 3.193 người.

Qua đánh giá số lượng người nghiện ma túy vẫn còn cao nhưng các biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không hiệu quả; người nghiện ma túy heroin điều trị bằng phương pháp thay thế Methadone vẫn tiếp tục sử dụng ma túy… Từ đó đặt ra hàng loạt giải pháp cho các cơ quan, ban ngành cần có những cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm kéo giảm số người nghiện một cách căn cơ, kiểm soát tốt người nghiện ma túy trong cộng đồng.


Một nhóm đối tượng sử dụng ma túy trái phép bị lực lượng công an triệt xóa

Trên cơ sở triển khai Chương trình số 128-CTR/TU ngày 9-3-2020 của Tỉnh ủy, hàng năm Công an tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện rà soát, thống kê đưa người nghiện vào quản lý. Công an tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch chuyên đề về công tác này, qua đó số người nghiện ma túy quản lý trên địa bàn tỉnh dần được kéo giảm. Cụ thể tháng 2-2020 cả tỉnh có 3.296 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến năm 2021 số người nghiện là 3.610; đến năm 2022 giảm xuống còn 3.193; năm 2023 còn 2.867 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Cần các giải pháp căn cơ

Trước những vấn đề đặt ra đó, tại hội nghị sơ kết Chương trình số 128-CTR/TU ngày 9-3-2020 của Tỉnh ủy được tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, địa phương được nêu lên, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân vào việc hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tránh tình trạng tái nghiện.

Nhìn thẳng vào vấn đề, các đại biểu cho rằng hiện nay công tác cai nghiện tại cộng đồng là khó. Theo Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy trái phép, quản lý người nghiện ma túy sau cai tại xã, phường, thị trấn “có lúc, có nơi chưa hiệu quả”. Bên cạnh đó, cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy hiện chưa phủ kín 91 xã, phường theo quy định của pháp luật. Công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở cấp xã còn hình thức, chưa phát huy tác dụng thực tế.

Trong khi đó trong tham luận gửi đến hội nghị, đại diện Đảng ủy Sở Y tế cho biết một trong những hạn chế trong công tác quản lý, điều trị nghiện tại cộng đồng là do thiếu nguồn nhân lực y, bác sĩ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; cơ sở vật chất của các trạm y tế cấp xã chưa đủ điều kiện. Một số ban ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm công tác này; đồng thời không có kinh phí hỗ trợ cho cán bộ làm công tác xác định tình trạng người nghiện (tiền ngoài giờ, tiền xăng xe..).

Cũng theo số liệu của Sở Y tế, hiện nay cả tỉnh có 2 cơ sở điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone ở TP.Thủ Dầu Một và TP.Dĩ An. Tính đến tháng 6-2023, tích lũy có hơn 1.200 trường hợp bệnh nhân điều trị tại 2 cơ sở này. Hiện nay cả tỉnh có 75 cơ sở y tế và 121 y, bác sĩ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện thuộc Sở Y tế quản lý; ngoài ra còn có 6 y, bác sĩ của Trung tâm Cai nghiện số 3 (thuộc lực lượng thanh niên xung phong TP.Hồ Chí Minh) đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.

Dù đối mặt với không ít khó khăn, tồn tại, tuy nhiên với quan điểm công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sau 3 năm thực hiện Chương trình số 128- CTR/TU ngày 9-3-2020 của Tỉnh ủy, nhiều cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở đã ra đời và phát huy hiệu quả, qua đó tạo được thế chủ động trong “cuộc chiến” với tội phạm ma túy hiện nay. (còn tiếp)

L.T.PHƯƠNG