Chủ động tìm đến nguồn vốn khuyến công, phát triển sản xuất

Thứ tư, ngày 04/12/2019

(BDO) Việc chủ động tìm đến nguồn kinh phí khuyến công đã giúp cơ sở sản xuất bánh SuMi có thêm kinh phí đầu tư máy làm bánh mới 100%, tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... củng cố và mở rộng chỗ đứng của mình trên thị trường.


Nghiệm thu dây chuyền sản xuất bánh tại cơ sở sản xuất bánh SuMi

Chủ động nắm bắt cơ hội

Cơ sở SuMi (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) bắt đầu thành lập và hoạt động từ năm 2014, chuyên sản xuất các loại bánh làm từ bột. Trước đây, khi sản xuất bằng quy trình thủ công, việc sản xuất ra sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của người thợ làm bánh, mất nhiều thời gian trong các công đoạn sản xuất. Trong khi đó, giá thành nguyên liệu ngày càng tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm, giá bán trên thị trường hiện đang rất cạnh tranh, đồng thời khách hàng tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã sản phẩm bánh cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường tiêu dùng bánh đang phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây, đồng thời để giảm vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở trong thời gian tới, cơ sở mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong công đoạn sản xuất sản phẩm bánh của cơ sở.

Chị Hồ Hoàng Diễm, chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt SuMi cho biết: “Trong điều kiện hội nhập của ngành thực phẩm hiện nay, môi trường kinh doanh luôn biến đổi, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tìm một hướng đi đúng đắn, không ngừng nâng cao vị thế của mình trên thị trường thì mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh khi hoạt động đều phải chấp nhận cạnh tranh với các đơn vị khác. Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp đơn vị chiến thắng được trong cạnh tranh tiếp tục phát triển, còn nếu không thì thua lỗ phá sản là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ hiện nay là vốn để đầu tư máy móc, công nghệ”.

Chị Diễm cho biết sau khi biết nguồn kinh phí khuyến công, chị đã chủ động lập dự án Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm từ bột” để gửi đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp. Trung tâm lập đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương thông qua Sở Công thương thẩm định phê duyệt kinh phí thực hiện đề án. Sau khi có quyết định giao kinh phí chi tiết của Sở Công thương, trung tâm tiến hành triển khai phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đề án trên cơ sở đúng nội dung, đối tượng và ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công. Trung tâm căn cứ hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị và kinh phí được phê duyệt xây dựng hợp đồng hỗ trợ cho đơn vị thụ hưởng theo mức kinh phí được duyệt.

Cơ sở quyết định đầu tư vào máy làm bánh, tuy chi phí ban đầu khá cao (hơn 400 triệu đồng) nhưng mang lại hiệu quả khả quan hơn, dễ dàng thu hồi vốn trong thời gian ngắn vì cho ra sản lượng bánh nhanh, nhiều, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đẹp mắt lại giảm công sức lao động trong quá trình sản xuất. Mọi công đoạn làm bánh đều có sự hỗ trợ của máy móc, rút ngắn thời gian và công sức, từ đó không yêu cầu thợ làm bánh ai cũng phải có tay nghề cao như trước đây nữa. Dây chuyền làm bánh cũng giúp sản phẩm bánh các loại ra đời theo phương pháp chuyên nghiệp nhất, đồng đều nhất và ít có hao hụt. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, cơ sở SuMi đã nhập máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng dây chuyền công nghệ đã giúp cơ sở sản xuất bánh thơm ngon, đồng đều, chất lượng hơn và gia tăng số lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoạt động đầu tư này giúp quy trình sản xuất của cơ sở mang tính hiện đại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường làm việc và đồng thời tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhấn mạnh về giải pháp công nghệ trong ngành thực phẩm nói chung và ngành bánh nói riêng, chị Diễm cho biết trong xu thế hiện nay, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng. Bởi nếu đơn vị sản xuất thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị công nghệ sản xuất, thường xuyên trang bị mới những máy móc hiện đại thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sản xuất... Sản phẩm do đơn vị sản xuất vừa có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm cũng như hình thức mẫu mã, tiết kiệm được chi phí sản xuất sẽ giảm được giá bán sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, điều này có ý nghĩa rất lớn đến sự sống còn của đơn vị sản xuất.

Hiệu quả rõ nét

Trước đây, khi chưa đầu tư máy làm bánh trên, cơ sở sản xuất sản phẩm bánh bằng phương pháp thủ công cùng với một số máy móc thiết bị dụng cụ hỗ trợ đã cũ nên sản phẩm bánh tạo ra thường xuyên có sai sót, không đồng đều về hình dạng và ổn định về chất lượng, sản lượng không bảo đảm theo yêu cầu của đơn hàng về thời gian, đồng thời phụ thuộc rất lớn vào tay nghề cũng như thời gian làm việc của người lao động. Để tạo ra chiếc bánh, cơ sở thường phải bỏ ra rất nhiều thời gian và nhân công để tạo hình (nặn bánh) cho sản phẩm, tốn nhiều chi phí và không mang lại lợi nhuận tốt, chất lượng sau khi nặn bánh chưa chính xác, sắc sảo theo yêu cầu mẫu mã và chất lượng sản phẩm của khách hàng yêu cầu (phụ thuộc vào tay nghề người lao động).

Sau khi đầu tư máy làm bánh tự động Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm từ bột”, cơ sở đã tạo ra được những sản phẩm bánh chất lượng tốt hơn và hiệu quả trên một đơn vị công lao động sản xuất. Máy làm bánh tự động mới tạo ra sản phẩm gấp nhiều lần về số lượng và chất lượng, chính xác hơn so với những sản phẩm được làm bằng thủ công trong cùng một đơn vị thời gian lao động. Cơ sở đã tạo ra những sản phẩm bánh đồng đều, đẹp, chất lượng ổn định mà không phụ thuộc vào tay nghề người lao động, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do máy hoạt động hoàn toàn tự động và khép kín.

Hiện nay, doanh thu của cơ sở SuMi khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, không kể bánh mùa vụ như trung thu, tết, bánh hợp đồng. Hiện sản phẩm của cơ sở đã vào được nhiều trường học trên địa bàn. Cơ sở làm bánh SuMi hiện giải quyết việc làm cho 8 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Để nâng cao công suất, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, cơ sở liên tục đầu tư máy móc sản xuất hiện đại để làm ra sản phẩm thẩm mỹ, chính xác, sắc sảo hơn. Hiện chị Diễm đang xây dựng cơ sở 2 cho thương hiệu bánh SuMi.

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, cho biết thông qua đề án đã giúp đơn vị thụ hưởng không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công lao động trong sản xuất, mà còn tăng năng suất sau khi đầu tư; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, mở ra nhiều hướng phát triển cho cơ sở bánh SuMi. Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp... Hy vọng cơ sở bánh SuMi sẽ tiếp tục tham gia để có những hướng đi vững chắc hơn, phát triển thương hiệu bền vững hơn.

Để nguồn vốn khuyến công sau khi đầu tư phát huy tốt hiệu quả, theo ông Phạm Thanh Dũng, thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ thực hiện đề án; phối hợp với đơn vị thụ hưởng hoàn thành các đề án theo đúng nội dung và tiến độ, đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, để từ đó có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

 TIỂU MY