Chủ động tiết giảm chi phí
(BDO) Sự hồi phục kinh tế nhanh chóng ở châu Âu, Trung Quốc - nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ, nơi thị trường nhà ở đang bùng nổ, đã khiến giá nhiều nguyên liệu thô quan trọng tăng vọt là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp (DN), không dự báo được tình hình sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, nhiều DN dệt gần như không thể sản xuất do giá vải chưa tăng hoặc tăng không đáng kể nhưng giá sợi đã tăng tới 25%, điều này ảnh hưởng dây chuyền đến các đơn hàng đã nhận. Trong khi đó, đa phần DN chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung sợi trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thêm vào đó, cái khó của ngành dệt may là nhiều địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường.
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhiều DN ngành gỗ không dám nhận đơn hàng dài hạn do lo ngại biến động chi phí đầu vào. Nhiều loại gỗ và nguyên vật liệu phục vụ chế biến gỗ, từ hàng trong nước tới hàng nhập khẩu đã tăng giá, với mức tăng từ 10 - 30%. Không chỉ các mặt hàng nêu trên, nhiều nguyên liệu như sắt thép, cao su, dầu mỏ… cũng đang bước vào chu kỳ tăng giá. Với ngành nhựa, giá dầu thế giới tăng cao sẽ khiến các DN nhựa chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa được sản xuất từ những chế phẩm của dầu mỏ.
Bộ Công thương cũng đã cung cấp thông tin để DN chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề là các DN phải tìm được biện pháp để thích ứng, đưa ra chiến lược hợp lý để chớp lấy mọi cơ hội trong diễn biến thị trường hàng hóa, thương mại. Để duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định, nhiều DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận để có đơn hàng, bên cạnh đó tìm cách cải tiến, thiết kế ra các sản phẩm mới, tiết giảm chi phí vận hành cũng như linh hoạt lựa chọn đơn hàng cho phù hợp.
KHẢI ANH