Chủ động phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em
(BDO) Xâm hại tình dục trẻ em (TE) trong những năm gần đây trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội trong công cuộc bảo vệ TE. Chính vì vậy bên cạnh nỗ lực của chính quyền cần sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó phòng Bảo vệ chăm sóc TE và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)).
Vừa tổ chức sân chơi vừa kết hợp giáo dục giới tính để hạn chế tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục
- Thưa bà, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ xâm hại tình dục TE, nguyên nhân từ đâu thưa bà?
- Nguyên nhân của hiện trạng xâm hại tình dục TE có thể xuất phát từ chính gia đình hoặc cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em. Đối với gia đình, cha mẹ, người chăm sóc TE thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại tình dục về thể chất và tâm lý. Nhà trường hiện nay chủ yếu chú trọng việc dạy chữ, do đó trẻ rất yếu kém trong các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục của người khác. Đối với bản thân trẻ, sự hạn chế trong nhận thức của trẻ về các hình thức xâm hại tình dục, sự tò mò khám phá về giới tính… Trong xã hội, công tác truyền thông về xâm hại tình dục TE, đặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính cũng như giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình còn bị coi nhẹ.
- Trong số những trường hợp bị xâm hại, có những trường hợp là con lao động người ngoài tỉnh đến Bình Dương. Đối với những trường hợp này, các ngành chức năng có chính sách gì hỗ trợ, thưa bà?
- Vừa qua, Bình Dương đã có trường hợp con người lao động đến từ ngoài tỉnh bị xâm hại tình dục. Các em không được đi học, ở nhà coi nhà hoặc đi bán vé số dạo nên bị xâm hại. Đối với TE là con người lao động đến từ ngoài tỉnh không được đi học, Đoàn Thanh niên các địa phương đã tạo điều kiện cho các em đến lớp học tình thương để được học tập. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập và duy trì hoạt động 40 Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” tại các địa phương. Nơi đây tập hợp các em đi bán vé số, phụ quán ăn...
Trong tất cả những buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cùng với Phòng LĐ-TB&XH không chỉ hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng, chống xâm hại TE. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH còn tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ đoàn thể… để họ nắm bắt cách quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ TE, dạy trẻ về cách bảo vệ bản thân, giới tính, sức khỏe sinh sản.
- Thưa bà, nhiều người còn e ngại trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. Bà quan niệm vấn đề này như thế nào? Phụ huynh cần dạy trẻ nhận biết các hành vi bị xâm hại và kỹ năng đề phòng?
- Thực tế, hiện nay rất nhiều phụ huynh còn e ngại trong việc giáo dục giới tính cho con mình. Nhiều em đã lớn nhưng vẫn còn mơ hồ về vấn đề giới tính. Phụ huynh cần thay đổi tư duy, suy nghĩ và cần cung cấp các kiến thức cần thiết về giới tính cho con em mình, nhất là bé gái.
Mỗi độ tuổi cần có những lời giải thích, giáo dục trẻ nhận biết về giới tính. Phụ huynh cần dạy cụ thể hơn về các bộ phận trên cơ thể, thái độ không bằng lòng nếu ai đó đụng tới những vùng nhạy cảm và né tránh những người có biểu hiện cố tình đụng chạm; đồng thời báo với người mà mình tin tưởng nhất. Phụ huynh nên chú ý đến các mối quan hệ xã hội của trẻ, phải biết con chơi với ai, thông tin liên quan đến bạn của con mình. Luôn dõi theo con, nhất là các hoạt động trên mạng của trẻ.
Với TE bị xâm hại, gia đình cần nhẹ nhàng động viên, an ủi để con cho biết sự việc. Khi nắm được sự việc cần báo ngay cơ quan chức năng, nhất là công an gần nhất để giúp đỡ đòi lại công bằng cho con của mình.
- Trong thời gian tới cần làm gì để hạn chế tình trạng TE bị xâm hại tình dục, thưa bà?
- Hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE nói chung và TE có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, vấn nạn xâm hại TE vẫn còn xảy ra phổ biến.
Trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục giới tính trong trường học phù hợp với từng cấp học, về lâu dài, cần thiết phải có chương trình môn học giới tính để giáo dục cho các em nhận thức đúng đắn, những cách cư xử phù hợp, tạo môi trường lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu niên.
Tăng cường điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục TE kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại TE, trong đó khuyến khích TE là nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm…
- Xin cảm ơn bà!
THIÊN LÝ (thực hiện)