Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường: Góp phần bảo vệ môi trường và an ninh trật tự

Thứ bảy, ngày 10/12/2022

(BDO) Chủ động phát hiện, xử lý

Theo CA tỉnh, gần đây trên địa bàn nổi lên vi phạm pháp luật về chôn, lấp chất thải, trong đó có nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của nhân dân. Cụ thể như vụ chôn lấp hàng ngàn tấn chất thải tại ấp 5, xã Tân Long, huyện Phú Giáo do Công ty Môi trường Trà Vinh thực hiện. Trong vụ việc này, Công ty Môi trường Trà Vinh đã ra thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác rồi vận chuyển đến xã Tân Long để chôn, lấp trái quy định.

Mới đây, CA huyện Phú Giáo phối hợp với các đơn vị chức năng cũng đã phát hiện, xử lý một cơ sở sản xuất muối có hành vi chôn lấp, đổ thải hơn 2.100 tấn chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo điều tra, cơ sở sản xuất muối trên thuộc ấp 7, xã Tân Long do bà Dương Thị V. (sinh năm 1975, ngụ huyện Bàu Bàng) quản lý điều hành. Cơ sở sản xuất muối của bà V. không có chức năng, hồ sơ pháp lý về môi trường. Bà V. đã thu gom chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các đối tượng khác để đốt lò nấu muối. Đối với chất thải không đốt được, bà V. chỉ đạo các đối tượng khác đổ xuống hố để đốt, chôn lấp tại địa điểm nêu trên. Hiện CA tỉnh đang xác minh, làm rõ, củng cố chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của bà V. và các đối tượng có liên quan.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ chôn lấp rác thải trái phép ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo

Bên cạnh các vụ việc nêu trên, tình trạng vi phạm về xả nước thải trái phép trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) CA tỉnh, thủ đoạn của hành vi trên là đối tượng lợi dụng thời tiết mưa gió để xả nước thải trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó dừng xả hoặc xả nước thải theo đúng quy định trở lại. Hay doanh nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên, chỉ vận hành khi có cơ quan chức năng tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thậm chí một số đơn vị xây dựng hệ thống ống ngầm để đưa nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường… Các hành vi nêu trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng nguồn nước mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Phát huy vai trò giám sát của người dân

Thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể như tại huyện Phú Giáo, CA huyện cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, trong đó chú trọng tuyên truyền kết hợp với việc chủ động phát hiện, xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại đất.

Thượng tá Bồ Văn Cúc, Trưởng CA huyện Phú Giáo cho biết từ năm 2019 đến tháng 8-2022, lực lượng chức năng huyện Phú Giáo đã phát hiện 24 vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường với các hành vi như đổ, thải, tiếp nhận và chôn lấp chất thải trái phép. Khi xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản và đổ thải trái phép, CA huyện yêu cầu đối với các bên liên quan làm cam kết, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức cao hơn. “Thời gian tới, CA huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với CA xã, thị trấn tăng cường nắm tình hình, quản lý địa bàn nhằm phục vụ cho công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. CA huyện còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng trao đổi những thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm kinh tế, môi trường để phục vụ cho công tác chuyên môn. Chủ trương của địa phương là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh nhưng phải chấp hành tốt quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Nếu cá nhân, tổ chức nào vì lợi nhuận mà phớt lờ quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, Thượng tá Cúc cho biết thêm.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng PC05, cùng với ngành chức năng, người dân có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khi phát hiện những hành vi xả nước thải, chôn, lấp chất thải trái phép, người dân nên mạnh dạn cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu. Đồng thời, lực lượng CA cũng cần sự hỗ trợ của cơ quan báo chí trong việc thông tin tuyên truyền các quy định pháp luật về môi trường cũng như chủ động cung cấp những thông tin phản ánh về hoạt động chôn lấp rác thải và xả thải sai quy định để lực lượng chức năng vào cuộc xử lý.

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát môi trường CA tỉnh đã phát hiện 729 vụ việc vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30 tỷ đồng. Trong đó, nổi lên là vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động xả nước thải ra môi trường (61/729 vụ, chiếm tỷ lệ 8,37%) với đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp thì vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra ngoài môi trường. Trong khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong khu, cụm công nghiệp lại có hành vi không xử lý sơ bộ nước thải phát sinh theo điều kiện trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư trước khi đấu nối với hệ thống thu gom để tiếp tục xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.

NGUYỄN HẬU