Chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn trong chăn nuôi
(BDO) Các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tái đàn gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn gia cầm
Hạn chế dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra với tính chất quy mô nhỏ, chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Văn Chinh, chủ trang trại heo Kim Linh (xã An Linh, huyện Phú Giáo), cho biết vẫn còn e ngại trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Hiện, trang trại có tổng trên 2.000 con heo, đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Trong thời gian tới, trang trại sẽ nâng tổng số đàn heo lên nhằm ổn định chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Đến nay, tổng đàn trâu bò khoảng 23.000 con, tổng đàn heo khoảng 853.000 con, tổng đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Tổng số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh tăng 30% so với cùng kỳ, vẫn bảo đảm nguồn cung thịt heo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết hiện nay nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn rất cao, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ. Người chăn nuôi cũng còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, một số tỉnh, thành phố lân cận đã có dịch bệnh bùng phát trở lại, thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm tương đối lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Tập trung phòng ngừa
Để không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát dịp cuối năm, ông Trần Phú Cường khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cần tập trung nhiều giải pháp, đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc-xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, vệ sinh tiêu độc khử trùng là giải pháp hàng đầu, sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng, làm sạch môi trường. Cùng với đó, chi cục phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo trái phép.
Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho biết tăng cường phối hợp với địa phương theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm nếu có dịch bệnh xảy ra để xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, trạm tiếp tục duy trì chương trình dự án an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo kế hoạch của tỉnh, huyện và ngành nông nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi cũng cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y...
Tại Bình Dương, chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng nhiều năm qua và trong điều kiện dịch bệnh xảy ra thì vấn đề này càng quan trọng, bảo đảm được sản phẩm chất lượng, phát triển bền vững. Để phát triển chăn nuôi ổn định cần ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTHCP. Theo ngành chức năng, để thực hiện chăn nuôi heo an toàn sinh học, người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại; con giống; thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh thú y; xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương.
UBND tỉnh ban hành Công văn số 3372/UBND-KT về việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP, giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống DTHCP nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại. |
THOẠI PHƯƠNG