Chủ động phòng cúm A/H7N9 có thể lây từ biên giới Trung Quốc

Thứ sáu, ngày 18/12/2015

(BDO)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18-12, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát tình hình dịch cúm A/H9N2 và A/H7N9 ở gia cầm và trên người nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập, kịp thời ngăn chặn, tránh lây lan.

Tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban quốc gia Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo tiếp tục ghi nhận thêm sáu trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm trên người, trong đó bốn trường hợp nhiễm cúm A/H9N2 đang trong tình trạng nhẹ và hai trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trong tình trạng nguy kịch.

Cục Y tế dự phòng khẳng định, tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9, cúm A/H9N2. Tuy nhiên do có đường biên giới dài với Trung Quốc, giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn nên nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta là cao; đặc biệt trong thời gian tới là dịp Tết nên nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gia cầm gia tăng.

Để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 trên người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về từ quốc gia có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đối với khách du lịch khi đến các quốc gia đang có dịch cúm A/H7N9, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mọi người không nên đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại chợ bán gia cầm. Khánh du lịch không nên tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm do phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt.

Đối với người có biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới cúm A/H7N9…, nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một số trường hợp mắc cúm A/H9N2 đã được ghi nhận từ năm 1999; một số trường hợp hoặc chùm ca bệnh nhỏ xảy ra do sự lưu hành của virus cúm A/H9N2 trong quần thể gia cầm khu vực châu Á và Trung Đông. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng virus cúm A/H9N2 từ người sang người.

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), kể từ tháng Sáu, virus cúm A/H7N9 tiếp tục được phát hiện trên gia cầm ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, điều này cho thấy virus này vẫn tồn tại dai dẳng trên gia cầm.

Theo mô hình lây nhiễm như các năm trước, số trường hợp nhiễm cúm trên người sẽ gia tăng trong những tháng tới. Thêm vào đó, một số trường hợp nhiễm rải rác sẽ được ghi nhận tại các khu vực bị ảnh hưởng hoặc lân cận. Đến nay toàn cầu ghi nhận 683 trường hợp dương tính với cúm A/H7N9 ở người./.