Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời trước thiên tai
(BDO) Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thời tiết, các địa phương trong tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), ứng phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Lực lượng hỗ trợ dọn dẹp hiện trường sau sự cố mưa lớn kèm lốc xoáy
Khắc phục, hỗ trợ kịp thời
Trong khoảng thời gian đầu mùa mưa thường xuất hiện các hiện tượng mưa lớn, dông, sét, tố lốc, mưa đá gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mưa lớn kèm theo gió mạnh trong thời gian gần đây đã làm chết 1 người, bị thương 1 người, sập 1 căn nhà, tốc mái 8 căn nhà, 6 phòng trọ, 1 cư xá, 1 mái che, gãy đổ 120 cây cao su, 19 cây xanh đô thị, thiệt hại 9,25 ha lúa lai và 6,62 ha hoa màu. Ước thiệt hại về tài sản khoảng 575 triệu đồng.
Trong các trận mưa, gió lớn, UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn trôi, đưa người bị thương đi cấp cứu, điều tiết giao thông, hỗ trợ các phương tiện di chuyển qua các khu vực ngập sâu, dọn dẹp hiện trường, sửa chữa sự cố điện. Các địa phương đã hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục sửa chữa nhà bị hư hỏng và rà soát, xác minh đánh giá thiệt hại, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, lãnh đạo địa phương tổ chức đoàn thăm hỏi chia buồn với gia đình có người chết và người bị thương do thiên tai.
Trong những năm qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách, kế hoạch trong lĩnh vực PCTT. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức, văn bản, dự án trong lĩnh vực PCTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất và nâng cao năng lực của cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai phát huy ý thức tự giác, tạo sự chủ động, tích cực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
Tăng cường phòng chống
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa, bão năm 2024 dự báo còn diễn biến phức tạp, để phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10-5-2024 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường công tác PCTT-TKCN năm 2024 và Công văn số 966/SNN-PCTT ngày 24- 4-2024 của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về việc phòng, tránh thiệt hại do dông, lốc xoáy, sét và mưa đá gây ra trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do giông, lốc xoáy, sét và mưa đá gây ra trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện. Kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên, trường học… để đốn hạ, cắt tỉa nhánh những cây có khả năng gãy đổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu: Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Ngoài ra, cần phải theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về mưa lớn, giông lốc; thông tin kịp thời đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cứu nạn các xã, phường, thị trấn, người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra thiên tai và nhanh chóng thực hiện thủ tục, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân, đặc biệt người dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, suối và hạ lưu các hồ chứa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương các nội dung, công việc liên quan công tác PCTT-TKCN. Ngành nông nghiệp thường xuyên kiểm tra các hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu… bố trí nguồn lực để xử lý bảo đảm an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra. |
THOẠI PHƯƠNG - NGỌC THÌN