Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thời điểm cuối năm

Thứ sáu, ngày 27/11/2015

(BDO) Việc mua bán, vận chuyển gia cầm, gia súc vào thời điểm cuối năm tăng nhanh và sẽ rất phức tạp nếu xảy ra tình trạng dịch bệnh. Trong đó có các thể cúm A (H1N1, H5N1 và H7N9) có khả năng lây truyền cao cần phải đề phòng…

 Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe tỉnh, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang vi rút cúm A có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh.

Cần đến cơ sở y tế khám bệnh nếu nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: Q.NHƯ

Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ... Hiện nay, chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống cúm A. Khi có vắc xin, việc tiêm phòng bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Những dấu hiệu bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 380C), ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm vi rút cúm A có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường. Thời điểm mùa đông là thời tiết thuận lợi cho vi rút phát triển, dự kiến số người mắc bệnh sẽ tăng cao vào mùa đông tới nên cần tăng cường các biện pháp phòng chống… Đây cũng là lý do vào thời điểm cuối năm, ngành y tế cần tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Về công tác dự phòng, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh cúm A có nguy cơ lan truyền và có thể bùng phát thành dịch rất nhanh nếu không chuẩn bị triển khai các biện pháp phòng chống bệnh - dịch một cách kịp thời. Ngành y tế tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh - dịch cúm A. Theo đó, ngành đã có kế hoạch phòng, chống các bệnh - dịch cúm A; với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra, bảo vệ sức khỏe người dân… Cụ thể là 100% các huyện, thị có phương án chủ động phòng, chống dịch, nếu có ổ dịch sẽ được khoanh vùng, xử lý triệt để. Bên cạnh đó là kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố để sẵn sàng đối phó khi có dịch… Bác sĩ Mỹ cũng cho biết thêm, bệnh lây lan từ gia súc, gia cầm, thủy cầm bị bệnh hiện là mối nguy rất cao gây dịch tại cộng đồng… Trong nhiều năm qua, tỉnh đã có đội liên ngành (y tế, thú y, quản lý thị trường, công an môi trường…) thường xuyên có sự phối hợp trong công tác kiểm tra: vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.

Để chủ động phòng chống bệnh, người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa về bệnh cúm gia cầm. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, môi trường; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; cải thiện sức khỏe và khả năng phòng bệnh; không giết mổ, chế biến, tiếp xúc với gia cầm bị bệnh; không sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh hay những thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi có các biểu hiện như: sốt trên 380C, ho, đau ngực, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 QUỲNH NHƯ