Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô
(BDO) Hiện nay bắt đầu bước vào mùa khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để chủ động phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng liên quan, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCCR tại Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương
Chủ động phòng, chống
Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh; Ban Dân quân tự vệ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác về PCCCR năm 2023. Theo đó, từ cuối tháng 1-2023 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành triển khai đối với các chủ rừng, như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng; Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng; Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Bàu Bàng thuộc xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng; Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương và Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Tân Phú thuộc Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Nam bộ; Hạt Kiểm lâm Tân Uyên và Phú Giáo.
Qua kiểm tra cho thấy, các chủ rừng đều thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng do đơn vị quản lý, như: Có quy định, nội quy về PCCCR; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của rừng: Bảng quy ước bảo vệ rừng; biển cấm lửa; Có phương án PCCCCR theo quy định. Các công trình PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất khu rừng. Trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án PCCCR. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy được tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCCR theo quy định.
Đối với trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy, các chủ rừng đều tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật. Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng quản lý. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng quản lý. Các công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR được đầu tư mua sắm, xây dựng. Có kế hoạch, báo cáo những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn PCCCR thuộc phạm vi mình quản lý về PCCCR cho cơ quan kiểm lâm; cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp. Các chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm, cũng còn tồn tại các hạn chế. Các khu rừng ở các huyện phần lớn được phân bố rải rác không tập trung trên địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng mỏng nên việc tuần tra được thực hiện tại những khu vực trọng điểm, một số khu vực việc tuần tra thường xuyên còn hạn chế. Khu rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu với hiện trạng là rừng thường xanh và rừng khộp rụng lá xen lẫn le, trúc đá nên vào mùa khô các lớp thực bì này làm tăng nguy cơ cháy rừng rất cao. Đồng thời khu rừng này có chùa Thới Sơn nên du khách hành hương thường đến viếng chùa nhất là các lễ hội sau tết, cộng với mạng lưới giao thông ra vào rừng nhiều nên việc quản lý và PCCCR rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết sau khi kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy đối với các khu rừng và trách nhiệm PCCCR của chủ rừng, tổ kiểm tra đề nghị với các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai, thực hiện phương án PCCCR. Bổ sung, chỉnh lý phương án PCCCR đối với các nội dung có thay đổi nhưng chưa đến mức làm thay đổi cơ bản nội dung phương án chữa cháy, khi có thay đổi lớn cơ bản làm ảnh hưởng đến nội dung phương án thì phải tiến hành xây dựng và phê duyệt lại. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường; cơ quan kiểm lâm sở tại thường xuyên tuần tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR và xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCCR và chặt phá rừng.
Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ trực PCCCR của đơn vị, của các tổ chức, cá nhân được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Bảo đảm quân số đầy đủ và thường trực 24/24 giờ tại các vị trí trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, không để người dân tự ý vào rừng và sử dụng lửa trong rừng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thông qua hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền về biện pháp sử dụng lửa an toàn trong sản xuất và sinh hoạt đối với người dân sống trong rừng và ven rừng.
Mặt khác, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCCR bảo đảm sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố xảy ra; bổ sung thêm các biển báo, biển cấm lửa và các dụng cụ chữa cháy. Đối với khu vực có khách tham quan du lịch, lực lượng chức năng cần thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và hướng dẫn khách tham quan thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR nhất là trong các dịp lễ hội sau tết.
THOẠI PHƯƠNG