Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đầu mùa mưa

Thứ bảy, ngày 16/05/2020

(BDO)

  Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, điều tra dịch tễ các khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh

Cảnh báo dịch bệnh vào mùa

Hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, chuẩn bị bước vào đầu mùa mưa là điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, gây bệnh cho người dân. 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh, số ca mắc SXH giảm 61% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo phòng, chống dịch nên tỷ lệ người mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh không tăng so cùng kỳ năm ngoái. Bình Dương đang kiểm soát tốt dịch bệnh, giám sát chặt chẽ các đối tượng mắc và nghi mắc bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Ca bệnh SXH hiện ghi nhận giảm, có thể do các huyện tập trung lực lượng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên việc rà soát, nhập liệu chưa đầy đủ. Chuẩn bị bước vào mùa mưa, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh bởi nếu lơ là nguy cơ SXH bùng phát có thể xảy ra. Trước đó, để hạn chế bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố lên kế hoạch rà soát và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn, thực hiện hoạt động truyền thông lồng ghép phòng, chống SXH và Covid-19”.

Ghi nhận của phóng viên tại các địa phương, mặc dù trước đây mọi công tác đều tập trung cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng trên tinh thần không để dịch chồng dịch, không lơ là trong công tác phòng chống SXH. Trong quá trình tuyên truyền về Covid-19, cán bộ y tế ở các địa phương thực hiện lồng ghép cả tuyên truyền bệnh SXH. Đặc biệt, chú trọng vào tuyên truyền xóa các điểm nguy cơ trong khu dân cư. Quý I-2020, trên địa bàn tỉnh phát hiện 206 ổ dịch với 563 bệnh nhân SXH điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Điều đó cho thấy, nguy cơ dịch SXH luôn bùng phát hiện hữu và càng tăng dần lên khi mùa mưa đến. Theo ông Danh, để tiếp tục phòng chống SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát dịch tễ, không để dịch bùng phát. Đặc biệt, trung tâm tiếp tục tổ chức điều tra côn trùng tại các nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất để chủ động phòng dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH.

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Tại huyện Bắc Tân Uyên, 5 tháng qua đã ghi nhận 23 ca SXH, phát hiện 18 ổ dịch nhỏ trong cộng đồng. Để đối phó với dịch bệnh SXH, bác sĩ Nguyễn Văn Thệ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Ngay từ đầu năm, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Y tế huyện đã lập kế hoạch phòng, chống SXH như: thành lập Ban Chỉ đạo, dự trù thuốc, hóa chất, chủ động giám sát các ổ dịch từ những năm trước. Hàng tháng, đơn vị cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh điều tra côn trùng tại các xã trọng điểm để đưa ra nhận định tình hình, giám sát ca bệnh nghi ngờ”.

Trong khi đó, tại các Trạm Y tế xã, phường của TX.Bến Cát hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, mỗi hộ gia đình buộc phải ký cam kết không có lăng quăng, tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, ngăn chặn sự sản sinh, phát triển của muỗi truyền bệnh. Bác sĩ Đinh Hoàng Kha, Phó trạm Y tế xã An Điền, TX.Bến Cát chia sẻ: “Thời gian vừa qua, Trạm Y tế xã thường xuyên nhắc nhở bà con dọn dẹp vệ sinh khu vực quanh nhà, phát quang bụi rậm ven đường để muỗi không có nơi trú ngụ; tuyên truyền cách phòng tránh và các dấu hiệu nhận biết về bệnh SXH trên loa đài truyền thanh để người dân phòng bệnh”.

Hiện nay cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành y tế, công tác tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH là đặc biệt quan trọng. Bởi vì công việc chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng gì một ngành nào, cấp nào, nếu người dân chủ quan, lơ là, chưa hiểu nguy hiểm của dịch bệnh thì rất khó cho việc khống chế, dập tắt dịch.

 “Bệnh SXH ngày nay được xem là bệnh nguy hiểm. Trước đây, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là bệnh của trẻ em, bởi vì 90% các trường hợp mắc SXH xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi và thường mang tính chu kỳ. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Đặc biệt, bệnh không diễn tiến theo chu kỳ, số ca mắc ngày càng tăng và diễn tiến theo chiều hướng phức tạp. Sự nguy hiểm của bệnh SXH còn ở diễn biến lâm sàng phức tạp trong những ngày đầu của bệnh, nhất là trẻ nhỏ”.
(Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 KIM HÀ