Chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu
(BDO) Trước tình hình bệnh bạch hầu xuất hiện tại 2 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và đã có 2 ca tử vong, ngành y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, toàn ngành tiến hành rà soát nhóm các độ tuổi tiêm chủng, dự trù huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Tiêm vắc xin mũi nhắc lại có chứa thành phần bạch hầu cho học sinh
Không chủ quan, lơ là
Bệnh bạch hầu trước đây lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Năm 1923, vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và sau đó được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó bệnh đã được khống chế trên toàn quốc, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tuy nhiên, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Đối với bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến tử vong hoặc những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm tim, viêm não, tổn thương thận, nhất là tổn thương hệ thần kinh, gây chứng viêm đa rễ dây thần kinh.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, dễ gây thành dịch, có nguy cơ gây tử vong. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở trẻ em (nếu không được tiêm phòng). Cơ chế lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp, gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, thanh quản, mũi, đôi khi ở da và các vùng niêm mạc khác...
Đặc điểm nổi bật của bệnh là có những màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm khuẩn. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao nên những trường hợp mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly với mọi người và các thành viên trong gia đình. Người bị bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nhiều biến chứng và khả năng tử vong cao.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo các chuyên gia y tế, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đạt hiệu quả bảo vệ 97% và giảm dần theo thời gian. Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm ngừa bạch hầu lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại từ 18 - 24 tháng tuổi và sau mỗi 10 năm.
Việc tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng nếu người khỏe đi đến các khu vực thường gặp bệnh bạch hầu. Đường lây của bệnh qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các giọt bắn nhỏ ra không khí. Bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 5 ngày, trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện nhưng tiến triển từ từ, sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, có thể sốt, ho, đau họng, khó nuốt…
Nói về dịch bệnh bạch hầu tại Bình Dương, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nhấn mạnh trước thực trạng bệnh bạch hầu đã và đang xuất hiện tại Hà Giang và Điện Biên, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có 2 ca tử vong, để bảo đảm công tác điều trị, hạn chế tối đa ca bệnh bạch hầu gây tử vong và thực hiện Quyết định số 2957/ QĐ-BYT ngày 10-7-2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị bệnh nhân, các địa phương cần nắm chắc địa bàn, chủ động dự báo tình hình và đề xuất số lượng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu trong thời điểm hiện nay.
Với sự hỗ trợ khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự kiến 100 lọ kháng độc tố sẽ về tới Việt Nam. Để có căn cứ để Bộ Y tế đề xuất WHO tiếp tục viện trợ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, trong thời gian tiếp theo, các đơn vị căn cứ tình hình dự báo bệnh dịch, dự trù nhu cầu sử dụng huyết thanh năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
“Hiện Bình Dương chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nhưng để chủ động các tình huống, ngành y tế tỉnh xây dựng các biện pháp phòng dịch. Khi có dịch xuất hiện, các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày và cấy dịch họng. Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày, khám lại hàng ngày, khử trùng buồng bệnh, nơi ở của người bệnh”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
HOÀNG LINH