Chủ động phòng bệnh đường hô hấp

Thứ sáu, ngày 15/03/2024

(BDO) Ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao,  bệnh hô hấp có thể diễn biến rất nhanh và nguy hiểm. Tiêm vắc xin sẽ  giúp phòng bệnh  và giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh hô hấp.

 Khám bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An 

 Gia tăng bệnh đường hô hấp ở trẻ em

Những ngày gần đây, chị Hồ Hải Yến (TP.Thủ Dầu Một) đang rất lo lắng vì con chị là bé Nguyễn G. K. bị ho đã 2 tuần nay, bác sĩ phải yêu cầu gia đình đưa bé nhập viện điều trị. Chị Yến cho biết: “Trước đó bé có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ho liên tục, uống thuốc bên ngoài nhưng không hết. Vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết bé bị viêm phế quản, viêm phổi. Nghe tiếng con ho suốt đêm mà tôi sốt ruột nhưng không biết làm cách nào, mọi việc trông chờ bác sĩ, mong bé nhanh hết bệnh”.

Đây là một trong những trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp chuyển thành viêm phổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ viêm đường hô hấp ở trẻ chuyển biến thành viêm phổi khoảng 20-25%. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh không nên lơ là, chủ quan, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Bác sĩ CKI, Lê Thị Trang, khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, những năm gần đây, tổng số ca mắc viêm đường hô hấp ở trẻ em không ngừng tăng lên, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, oi bức. Bệnh không chỉ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn có nguy cơ khiến trẻ bị nặng hơn nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Một số bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ gồm nhiễm trùng mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản…

Cũng theo bác sĩ Trang, bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em có thời gian ủ bệnh ngắn, các triệu chứng thường xuất hiện ồ ạt. Sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào các tế bào của đường hô hấp, chúng sẽ nhanh chóng gây viêm, nhiễm trùng với các dấu hiệu như: Hắt hơi nhiều, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa họng, đau rát họng, ho, ho khan, ho có đờm, sốt cao, chán ăn, mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu, đau nhức cơ, cáu kỉnh, quấy khóc bất thường, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở. Hàng năm, trên thế giới có hơn 4 triệu ca tử vong do các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ, chủ yếu là do viêm phổi gây ra.

“Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, có khả năng tái nhiễm 4-6 lần/năm. Phần lớn các trường hợp viêm đường hô hấp ở trẻ em có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có chuyển biến xấu, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ như viêm tai giữa và viêm phổi. Hai biến chứng này có thể được gây ra bởi chính vi rút gây viêm đường hô hấp hoặc có thể do vi trùng xâm nhập gây viêm, nhiễm trùng”, bác sĩ Trang cho biết thêm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh

Hệ hô hấp chia làm hô hấp trên và hô hấp dưới. Bệnh lý hô hấp trên thường gặp là viêm mũi, viêm phế quản, viêm tai giữa… Bệnh lý đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản cấp, viêm phổi... Ngoài ra, người dân còn dễ mắc bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em, phụ huynh cần đưa trẻ tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc xin (Hib, phế cầu, cúm….), kết hợp với dinh dưỡng. Phụ huynh, người trông trẻ chú ý rửa tay, vệ sinh cho trẻ thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hoặc trước khi tiếp xúc, ôm ấp bé. Phụ huynh, người trông trẻ tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người đang nghi ngờ mắc bệnh về đường hô hấp.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Tiêm vắc xin sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và nhập viện, chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Vắc xin đóng vai trò quan trọng giúp trẻ có kháng thể chống lại bệnh tật, ngăn ngừa hiệu quả, giảm nguy cơ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm cùng lúc nhiều bệnh; tránh các triệu chứng dễ nhầm lẫn, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, bệnh hô hấp là bệnh thường gặp nhất. Do đó, việc tuân thủ các mũi tiêm phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong những năm tháng đầu đời là vô cùng quan trọng”.

Các mũi tiêm phòng bệnh hô hấp cho trẻ tăng cường sự chủ động bảo vệ cho trẻ, như: Vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin 6 trong 1, vắc xin phòng phế cầu xâm nhập, vắc xin cúm... Nghiên cứu từ các tổ chức y tế quốc tế cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng các bệnh hô hấp như cúm, phế cầu, ho gà… sớm góp phần quan trọng bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, cải thiện mức độ lây lan cũng như các biến chứng nặng, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.

Vắc xin cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm vi rút, vi khuẩn khác. Một mũi vắc xin cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và giảm 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, 46% nguy cơ hen cấp, 58% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.

 KIM HÀ