Chủ động phòng bệnh bạch hầu
(BDO) Qua ổ dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Bình Phước mới đây cho thấy, đa số người mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa. Là địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Phước, ngành y tế Bình Dương cũng đang khẩn trương triển khai các mặt công tác nhằm chủ động phòng bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng…
Là địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Phước, ngành y tế Bình Dương nhận định, dịch bệnh bạch hầu có thể lây lan đến Bình Dương nếu không chủ động phòng chống. Do đó, bên cạnh tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, ngành y tế Bình Dương cũng chủ động triển khai các công tác khác như tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, chuẩn bị nhân lực, thuốc men, cơ sở vật chất sẵn sàng thu dung, điều trị nếu dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh (cả công lập và ngoài công lập) rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh. Bảo đảm tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế, vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước… để tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vắc xin muộn hoặc không được tiêm vắc xin.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Song song đó, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà còn lưu ý các đơn vị y tế trên địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm. Đối với khu vực nguy cơ, tổ chức tuyên truyền tới từng hộ gia đình về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tuyên truyền người dân có các triệu chứng sốt, đau họng phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Bác sĩ Hà khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi tới các vùng đang có dịch ở tỉnh Bình Phước nếu không cần thiết. Trường hợp đi lại, làm ăn cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân. Khi trở về, cần chủ động khai báo, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh để được tư vấn, hướng dẫn phòng bệnh và điều trị kịp thời. Đối tượng mắc bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, do đó, các đơn vị y tế cần phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tổ chức việc theo dõi sức khỏe cho trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở; hướng dẫn việc thường xuyên vệ sinh nhà trẻ, lớp học, thực hiện cách ly kịp thời và thông báo cho các đơn vị y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là tại các cơ sở giáo dục giáp ranh với tỉnh Bình Phước.
Để sẵn sàng ứng phó, Sở Y tế đã đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch (nếu có). Bên cạnh đó, cần tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra công tác tiêm chủng phòng bệnh. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cần tổ chức tập huấn phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị bệnh tại các khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi, khoa nhiễm…
Theo Cục Y tế dự phòng, trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện nay, bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng lưu ý người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
HỒNG THUẬN